Cụ thể, với khối CPTPP, tính đến hết tháng 4/2021 tổng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 297 triệu USD, chiếm gần 31%, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó chỉ tính riêng tháng 4/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đã tăng gần 6% khi đạt 177,9 triệu USD; tiếp đến là Australia có giá trị xuất khẩu tăng mạnh 177,4%.
Tương tự, tại thị trường EU hồi đầu năm nay, nhiều ý kiến nhận định năm 2021 sẽ là năm nhập khẩu của khối EU giảm nhưng tới nay tình hình lại đảo ngược khi giá trị xuất khẩu 4 tháng vẫn đạt 145,7 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020 và riêng tháng 4/2021 đạt gần 50 triệu USD, tăng mạnh 45% so với cùng kỳ. Theo VASEP, ngay khi EVFTA có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có mức thuế 12 - 20% đã về 0% như tôm sú đông lạnh. Đây là lý do tác động tới nhà nhập khẩu giúp họ đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu tôm và kéo kim ngạch xuất khẩu ở thị trường này tăng lên.
Ngoài hai thị trường chính kể trên, tại thị trường Mỹ sau khi quốc gia này triển khai vắc-xin đã kéo nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, từ đó tác động rõ rệt đến sức tiêu thụ thực phẩm, bao gồm các sản phẩm tôm. Trong khi đó, đối thủ xuất khẩu tôm của Việt Nam tại Mỹ là Ấn Độ đang gặp khó khăn kép khi chống chọi với dịch Covid và thuế chống bán phá giá 2% cho tôm nước ấm cũng như cáo buộc về lao động cưỡng bức, sử dụng kháng sinh cấm trong ngành tôm nước này. Điều này đã tạo cơ hội xuất khẩu tôm cho doanh nghiệp Việt bởi hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu tương đối lớn của nước ta.
Ước tính của VASEP cho biết, tính đến hết tháng 4/2021 tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 198 triệu USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Hà Trần