Sau 04 năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sức lan tỏa rộng khắp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đây là bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất. Trong đó, 236 sản phẩm của 158 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã mở ra nhiều triển vọng phát triển cho các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng, đặc sản của tỉnh.
Ông Lê Hoàng Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay huyện đã có 05 sản phẩm đăng ký và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP các hạng từ 3 - 4 sao. Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, huyện đã thành lập trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với chương trình, tạo điều kiện cho các đơn vị, chủ thể sản xuất trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường.
HTX dịch vụ nông - lâm nghiệp Yên Nhân là một trong những đơn vị của huyện Thường Xuân tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.
Qua đó, sản phẩm mật ong rừng Yên Nhân đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, doanh thu tăng 35% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bà Cầm Thị Thuyết, giám đốc HTX cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh, các sở, ngành, HTX đã tham gia quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP.
Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm của đơn vị ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, phát triển thêm nhiều thị trường mới.
Đối với cơ sở sản xuất đông y Quang Anh (Quảng Xương), hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh đã góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm của mình.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất, cho biết: “Nhờ có chứng nhận OCOP, chúng tôi cũng dễ dàng tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu của các thị trường cũng như hệ thống siêu thị lớn có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.
Hiện cơ sở sản xuất đã mở rộng quy mô, thành lập doanh nghiệp và xây dựng được hệ thống phân phối tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các thẩm mỹ viện, spa uy tín trong, ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, đơn vị cũng xây dựng kênh phân phối online gồm các nền tảng thương mại điện tử như tiki, shopee và facebook”.
Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của tỉnh. Trong đó, từ tháng 4 đến tháng 8-2022, hàng chục lượt chủ thể OCOP đã tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại tại các tỉnh, thành phố, như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Quảng Nam, Huế, Hà Nội.
Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, cho biết: Thời gian tới, văn phòng tiếp tục tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm OCOP. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có thương hiệu.
PV