Theo cử tri tỉnh Hưng Yên, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức xử phạt với xe môtô, xe gắn máy không mua bảo hiểm tự nguyện khi vi phạm giao thông với mức phạt 150.000 đồng.
Tuy nhiên, khi người dân mua bảo hiểm đối với xe môtô, xe gắn máy gặp tai nạn giao thông, đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe môtô, xe gắn máy lại không có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người dân và trốn tránh trách nhiệm bồi thường.
Do đó, cử tri kiến nghị Bộ GTVT xem xét bỏ quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe môtô, xe gắn máy vì nếu không mua sẽ bị Cảnh sát giao thông xử phạt quá trình kiểm tra khi tham gia giao thông, còn nếu mua bảo hiểm mà có rủi ro xảy ra thì người có quyền lợi lại không được bồi thường thỏa đáng, đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe môtô, xe gắn máy lợi dụng vụ việc để trục lợi.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT cho biết: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nêu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những bảo hiểm bắt buộc nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Trên cơ sở quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, Luật Giao thông đường bộ quy định: "Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới".
Nghị định số 100/2019 quy định "Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng".
Như vậy, đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
PV (t/h)