Với Chile, đây là chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam sau 15 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Salvador Allende. Sự kiện này đã đặt nền móng cho việc Chile trở thành nước đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trên nền tảng đó, quan hệ Việt Nam - Chile đã và đang phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực thương mại.
"Chuyến thăm sẽ đem đến 'sức sống mới' cho quan hệ Việt Nam - Chile, nhất là trên các lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác", bà Hằng khẳng định trong cuộc trả lời báo chí trước chuyến thăm.
Đối với Peru, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam, diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
"Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới", thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Hiện Chile là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sang Mỹ Latin, sau Mexico, Brasil và Argentina, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam và Peru thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1994. Về thương mại, trao đổi song phương đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng đến 79,1% từ mức 353,78 triệu USD năm 2016 lên 600 triệu USD năm 2022. Kim ngạch 9 tháng đầu năm 2024 đạt 289,6 triệu USD.
Hai bên có nhiều cơ hội nâng cao kim ngạch thương mại khi đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều cam kết ưu đãi trong rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau.
Việt Nam hiện có hai dự án đầu tư quan trọng tại Peru trên các lĩnh vực viễn thông.
Hai nước duy trì sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn đa phương.
Bên cạnh đó, tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC là dịp để Chủ tịch nước gặp gỡ, tiếp xúc với các Nhà Lãnh đạo APEC, trong đó có nhiều đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược của ta, góp phần không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các thành viên APEC.
Về đa phương, việc Chủ tịch nước tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Diễn đàn, tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực; tiếp tục củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 77% thương mại, 81% đầu tư trực tiếp nước ngoài và 85% lượng khách du lịch vào Việt Nam.
Là chủ nhà của Năm APEC 2027, đây cũng là dịp để ta thúc đẩy triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 mà nước ta đã khởi xướng và tham gia xây dựng cùng với các thành viên từ năm 2017.
Có thể khẳng định, việc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tạo những xung lực mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Peru bước vào giai đoạn phát triển mới năng động, thực chất, hiệu quả hơn, đồng thời, khẳng định tâm thế mới, vai trò, vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Cũng theo thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước sẽ truyền tải thông điệp về khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, những định hướng lớn về phát triển, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương và APEC là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Người đứng đầu Nhà nước cũng sẽ kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp khu vực tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Thiên Trường