Bước phát triển ngoạn mục

Ngược dòng lịch sử, ngày 1/10/1991, thực hiện Nghị quyết Quốc hội khóa VIII, tỉnh Yên Bái chính thức được tái lập (từ tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) thành tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai). 

Ba mươi năm Ngày tái lập tỉnh Yên Bái (1/10/1991 - 1/10/2021) là một chặng đường lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh Yên Bái, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân các dân tộc Yên Bái đang thi đua lập thành tích để chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Yên Bái. Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua các bước thăng trầm, Yên Bái có những biến động nhất định về mặt địa lý, dân cư và lịch sử... nhưng việc tái thành lập tỉnh Yên Bái trở thành mốc son, đánh dấu một sự kiện quan trọng của nhân dân các dân tộc trên mảnh đất quê hương này.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, thời gian đầu mới tái lập, tỉnh có xuất phát điểm rất thấp, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thấp kém; kinh tế chậm phát triển, chủ yếu tự cung tự cấp, đời sống nhân dân còn nghèo nàn, lạc hậu…

Sau 30 năm phát triển, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển Yên Bái ngày càng giàu đẹp, với những thành quả to lớn; trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng trung du và miền núi phía bắc (gồm 14 tỉnh).

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy

Bước phát triển ngoạn mục được thể hiện rõ qua bức tranh kinh tế - xã hội của Yên Bái. Cụ thể, năm 2020 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 5,41% - xếp thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, thứ 3/6 tỉnh tây Bắc; thu hút đầu tư 27 dự án, với tổng vốn đăng ký 400,5 triệu USD – đứng thứ 6/14 tỉnh, 3/6 tỉnh tây Bắc; thu ngân sách đạt 3.593 tỷ đồng - xếp thứ 7/14 tỉnh, thứ 4/6 tỉnh tây Bắc; trong xây dựng nông thôn mới, có 75 xã, 1 huyện, 1 thành phố đạt tiêu chí nông thôn mới - xếp thứ 4/14 tỉnh và đứng đầu trong 6 tỉnh tây Bắc; về tỷ lệ hộ nghèo còn 4,52% - thấp thứ 4/14 tỉnh và thấp nhất trong 6 tỉnh tây Bắc…; Yên Bái là tỉnh đầu tiên của khu vực tây Bắc có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã…

Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025 xác định, mục tiêu phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020. Đây là cách tiếp cận mới, rất sáng tạo với mục tiêu đưa con người vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Yên Bái và Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa chỉ tiêu này Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh - hướng mọi hành động, chương trình, mục tiêu xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, vì sự hài lòng, hạnh phúc của nhân dân.

Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa, đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Công tác an ninh chính trị nội bộ, an ninh biên giới, an ninh kinh tế, thông tin, an ninh trong vùng tôn giáo, dân tộc, nông thôn và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố tăng cường. Chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tỉnh Yên Bái xác định, công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và thường xuyên của Đảng bộ. Đi đôi với công tác giáo dục chính trị tư tưởng là công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đúng quy trình, quy định góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực với phương châm hướng mạnh về cơ sở bằng nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả.

Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp được nâng lên rõ rệt. Đáng chú ý, công tác giám sát, tiếp xúc cử tri được đổi mới theo hướng tăng cường phối hợp, thiết thực, hiệu quả.  Công tác cải cách hành chính được triển khai tích cực, đồng bộ.

“Thành tựu nổi bật nhất sau 30 năm đổi mới gắn với 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã vươn lên phát triển là tỉnh có cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; văn hóa xã hội có nhiều điểm sáng; công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện…

Trong đó, phải kể đến, tăng trưởng kinh tế bình quân nhiều năm gần đây đạt 6,5%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn tăng hơn 60 lần; thu nhập bình quân đầu người/năm tăng 50 lần; thu ngân sách tăng 116 lần; giá trị xuất khẩu  tăng 35 lần; giá trị xuất khẩu công nghiệp tăng 700 lần…”, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Hướng đến phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc

Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái, Tạ Văn Long nhận định:

“30 năm qua, với quyết tâm, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Yên Bái đã đạt được những thành tựu vượt bậc, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận khi lên thăm, làm việc và dự Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2019 - “Chưa bao giờ Yên Bái có cơ đồ như hôm nay”.

Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long
Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long

Thành quả đạt được là vốn quý, cơ sở thực tiễn và là động lực quan trọng để Yên Bái bứt phá vươn lên giai đoạn tiếp theo, phát triển nhanh, bền vững bao trùm trên 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Cụ thể, Yên Bái phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trong top đầu của 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; tăng chỉ số hạnh phúc của người dân lên 15% trong nhiệm kỳ 2020-2025...”.

Để đạt được những mục tiêu này, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cần đồng bộ giải pháp để thực hiện mục tiêu kép. Trong đó, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, coi phát triển hài hòa kinh tế, xã hội, môi trường là nhiệm vụ cơ bản, thiết thực nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc cho người dân là giá trị cốt lõi. Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường; xác định nông nghiệp là trụ cột, là bệ đỡ của nền kinh tế. Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Cùng với đó, gắn tăng trưởng kinh tế với xây dựng và phát triển văn hoá, con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai cuộc vận động “xây dựng gia đình hạnh phúc”, là hạt nhân nuôi dưỡng cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người…

Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái, Tạ Văn Long khẳng định:

“Yên Bái sẽ tận dụng lợi thế hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch. Tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách, gắn với bảo đảm môi trường phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp, trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây bắc.

Đồng thời, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, gắn với khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, hạnh phúc”.

Hoan Nguyễn