Cước tin nhắn áp dụng với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thườngCước tin nhắn áp dụng với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường

Trước đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử để hỗ trợ trực tiếp cho người dân.

Cục Viễn thông yêu cầu các DN viễn thông nghiên cứu, xem xét giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng để chia sẻ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho các ngân hàng khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các DN phải báo cáo giải quyết đề xuất giảm giá cước tin nhắn nói trên trước ngày 27/4.

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có văn bản kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các DN viễn thông xem xét giảm giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các ngân hàng.

Hiện tại, MobiFone và VinaPhone đang áp dụng mức 820 đồng/1tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng.

Tương tự, Viettel là 500 đồng/1 tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn) và từ năm 2019, Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính…

Các ngân hàng đều chịu phí SMS trực tiếp từ nhà mạng hoặc đối tác của nhà mạng, mức phí SMS Branding từ 690 - 720 đồng/tin nhắn.

Hiệp hội Ngân hàng cho hay với mức giá này, hầu hết các ngân hàng đều phải bù lỗ khi phải chi trả chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông, nhất là khi xu hướng sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử và ngân hàng số ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Ngọc Khánh