Trước đó, từ năm 2022, Bộ GTVT đã có văn bản gửi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn địa phương. Các tỉnh, thành phố đã phối hợp, chỉ đạo lực lượng chức năng và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay tại một số tỉnh, thành phố tình trạng xe kinh doanh có phù hiệu xe hợp đồng, có biển hiệu xe du lịch vi phạm, hoạt động như tuyến cố định (xe dù, bến cóc) chưa thuyên giảm, có nơi còn có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố kết nối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu...).
Theo đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm nêu trên, tạo môi trường kinh doanh vận tải hành khách cạnh tranh lành mạnh, Bộ GTVT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện của các sở GTVT.
“Các địa phương cần nêu rõ các tồn tại chưa thực hiện được và các giải pháp để khắc phục. Từ đó, báo cáo UBND cấp tỉnh, thành và Bộ GTVT. Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong việc thực hiện quy định về trật tự an toàn giao thông đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm trên địa bàn”, Bộ GTVT chỉ đạo.
Kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô trong việc thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó tập trung kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô.
Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các Sở GTVT đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của ô tô, dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên ô tô, hoàn thiện các phần mềm quản lý vận tải.
Minh Đức