Vốn đầu tư nước ngoài liên tục vào Việt Nam, trong đó có đầu tư xanh. Tuy nhiên, đầu tư xanh chỉ là một trong những khía cạnh mà Việt Nam quan tâm.
Ít ngày trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức đưa ra lấy ý kiến công luận về Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài. Bộ tiêu chí này bao gồm 36 chỉ tiêu, với 25 chỉ tiêu về kinh tế, 07 chỉ tiêu về xã hội và 04 chỉ tiêu về môi trường.
Như vậy, yếu tố “xanh” chỉ là một trong rất nhiều vấn đề cần được “cân - đong” khi nói về lợi ích của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng về kinh tế, đã có tới 25 tiêu chí, trong đó có 06 chỉ tiêu phản ánh quy mô, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực FDI, như tốc độ tăng trưởng GDP khu vực FDI, tốc độ tăng trưởng vốn FDI, hay tốc độ tăng trưởng vốn thực hiện…
Trong khi đó, nhóm tiêu chí để đánh giá về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI có tới 10 chỉ tiêu, như lợi nhuận trước thuế, tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản của doanh nghiệp FDI, tỷ trọng xuất khẩu, tỷ trọng nhập khẩu…
Chưa kể, còn có 03 chỉ tiêu liên quan đến vấn đề đóng góp ngân sách, như số nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI, tốc độ tăng trưởng nộp ngân sách… Ngoài ra, còn có 2 chỉ tiêu về tác động lan tỏa của khu vực FDI, bao gồm tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu đầu vào trong nước, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có liên kết với doanh nghiệp trong nước…
Cũng cần nhắc lại rằng, khi xây dựng bộ tiêu chí này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn xây dựng được một bộ công cụ để phân tích, đánh giá chất lượng hoạt động của khu vực FDI, qua đó có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp, nhằm phục vụ định hướng thu hút đầu tư vào những dự án có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam…
Bộ tiêu chí này được xây dựng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, để các cấp, ngành chủ động và phối hợp đánh giá hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam…
Trên thực tế, lâu nay, vẫn có những ý kiến trái chiều về hiệu quả của đầu tư nước ngoài, về những đóng góp của khu vực này tới nền kinh tế. Những nỗi lo về việc các dự án FDI gây ảnh hưởng đến môi trường, hay thua lỗ lớn, thua lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư… cũng không phải là không có lý.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh sự hạn chế trong kết nối doanh nghiệp nội - ngoại, rằng còn ít doanh nghiệp Việt tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Thẩm định báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh việc công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế.
Đã đến lúc, chúng ta cần đánh giá toàn diện hơn về hiệu quả, về những lợi ích mà Việt Nam nhận được từ dòng vốn FDI.
Hải Dương (t/h)