Bài 1_ Phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội: “Nhà văn hóa” cộng đồng bị lấn chiếm
Như báo Thương hiệu và Công luận phản ánh những bức xúc của người dân về việc: Nhà văn hóa đang bị “xẻ thịt” làm dịch vụ trông giữ xe ô tô tại Phường Khương Đình. Trả lời cơ quan báo chí, bà Bùi Thị Hiền – Phó chủ tịch Phường khẳng định: “Đây là chủ trương đúng đắn của phường, tất cả vì năm văn minh đô thị…”
Chính quyền tiếp tay
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nhiều điểm vui chơi, nhà văn hóa công cộng, trường học đóng trên địa bàn phường Khương Đình đang bị sử dụng sai mục đích. Để có được “chuồng” gửi xe, chủ xe phải chi trả cho nhân viên bảo vệ tại các điểm này một khoản tiền không phải nhỏ, thậm chí nếu chậm chân, có tiền, chủ xe cũng không có được chỗ gửi xe theo ý muốn. Vậy câu hỏi được đặt ra, khoản tiền thu được từ dịch vụ này sẽ vào túi ai và số tiền thất thu thuế của nhà nước là không nhỏ?
Trao đổi với phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận bà Bùi Thị Hiền - Phó chủ tịch Phường cho biết: Năm 2014 là năm trật tự văn minh đô thị không có xe để lòng đường vỉa hè. Tuy nhiên do địa bàn phường chật hẹp, không có bến bãi trông giữ xe. Song có đến 70 % hộ dân có xe ô tô, ngay trong UBND phường hiện đang xây dựng nên cũng có rất nhiều cán bộ phường có xe, để bảo đảm nhu cầu của dân, lãnh đạo phường đã có chủ trương “vận dụng” những khoản trống ở nhà văn hóa phường để cho gửi xe. Mỗi một tháng tiền trông xe nộp về phường là 20 triệu/tháng.
Song, điều đáng nói là lãnh đạo phường Khương Đình dường như quên mất ý nghĩa của việc xây nhà văn hóa nên đã tự ý cho kinh doanh. Vì vậy mà khi phóng viên đề cập việc lãnh đạo Quận có biết “ý tưởng mới” của phường không thì bà Phó chủ tịch thản nhiên trả lời: Phường không xin ý kiến Quận.
Toàn bộ sân nhà văn hóa, nơi trẻ em có thể vui chơi chạy nhảy, nơi người già có thể thả bộ dưỡng sinh được biến thành bãi đỗ ô tô chật kín, nhưng lãnh đạo phường Khương Đình vẫn khẳng định là không ảnh hưởng? Chỉ vì có chỗ đậu cho ô tô, lãnh đạo phường bắt những em nhỏ phải nhường chỗ vui chơi. Việc “xẻ thịt nhà văn hóa” để kinh doanh vốn đang gây bức xúc đối với bà con nơi đây, câu trả lời thiếu tinh thần trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của bà Phó Chủ tịch càng khiến họ thêm bất bình.
Không chỉ nhà văn hóa Phường bị lấn chiếm, khu vực sinh hoạt chung tại khu dân cư số 3 Phường Khương Đình cũng trong tình trạng “bốn bánh ngênh ngang lấn chiếm sân chơi cộng đồng”. Những chiếc xe đậu san sát, dày đặc. Càng về chiều các xe tập hợp về càng đông. Thời gian người già, trẻ em cần sinh hoạt, thư giãn thì cũng là lúc phải “nhường chỗ” cho những chiếc xế hộp về “nghỉ ngơi”. Điều mà cư dân nơi đây bức xúc nhất đó là những chiếc xế hộp đang tranh giành sân chơi với người già, trẻ em kia có sự đồng thuận cao của lãnh đạo phường.
Thất thu thuế nhà nước
Nếu như tại một số trường học chỉ trông giữ xe khi giờ học của các em kết thúc – tức trông giữ xe về đêm và các ngày nghỉ thì tại nhà văn hóa phường Khương Đình, dịch vụ này diễn ra cả ngày lẫn đêm với mức 1 triệu đồng/tháng/xe, Với số lượng hơn 50 xe gửi tại đây số tiền thu hằng tháng không nhỏ. Tuy nhiên, theo thông tin từ đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cho biết đã kiểm và phát hiện bãi trông giữ xe thuộc nhà văn hóa này không có giấy phép kinh doanh và không thực hiện thuế với nhà nước. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng với việc lập bãi trông xe tự phát như trên, những quy định về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường, các vấn đề khác liên quan phát sinh vụ việc không mong muốn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm pháp lý?
Với việc gia tăng số lượng phương tiện giao thông – ôtô như hiện nay, nhu cầu về bãi đỗ xe ôtô tĩnh là rất lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng sân trường, điểm vui chơi, nhà văn hóa làm bãi trông giữ xe gây ảnh hưởng đến trẻ em và người già, lợi ích công cộng cần phải được xem xét.
Đây đang thực sự là vấn đề “nóng” đòi hỏi các cơ quan chức năng hữu quan vào cuộc xử lý các vi phạm, biến tướng mục đích sử dụng cũng như đưa ra các quy định thật cụ thể nếu như cho phép các điểm vui chơi, nhà văn hóa vào việc trông giữ xe ôtô.
Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục Bảo vệ trẻ em cho biết, "trước hết, mỗi khu dân cư khi làm quy hoạch đất, phải có một phần diện tích dành cho việc đầu tư, xây dựng thư viện, điểm vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em. Điều này vừa có lợi về mặt kinh tế, vừa mang lại hiệu quả xã hội rộng lớn. Đừng nghĩ quỹ đất dành cho điểm vui chơi thì không sinh lời và xem nhẹ. Trẻ em là tương lai của đất nước. Đầu tư cho trẻ em phát triển toàn diện chính là sự đầu tư bền vững, hiệu quả và ý nghĩa nhất”.
Lãnh đạo Quận Thanh Xuân, lãnh đạo Thành phố Hà Nội sẽ làm gì để giải quyết những bức xúc của bà con? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PV