Chính phủ đã ký ban hành nghị quyết về một số giải pháp về thuế, quyền tự do kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN.
Gỡ vướng về thuế
Về các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế không quá 60 ngày đối với số tiền thuế giá trị gia tăng của máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư mà tổng giá trị nhập khẩu từ 100 tỷ đồng trở lên. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thuế nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN.
DN được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà DN có hóa đơn, chứng từ theo quy định; tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện.
Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, cá nhân được lựa chọn phương pháp tính, nộp thuế 25% trên thu nhập từng lần chuyển nhượng; hoặc 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng.
Đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, cá nhân được lựa chọn phương pháp tính, nộp thuế 20% trên thu nhập năm và cuối năm quyết toán; hoặc tính, nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng và cuối năm không quyết toán thuế.
Cá nhân hộ kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán và cá nhân là đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp được tổ chức trả thu nhập khẩu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không phải quyết toán thuế.
Người nộp thuế có doanh thu từ 50 tỷ đồng/năm trở xuống thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý.
Nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển DN thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Cụ thể, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 200 tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 5 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dựa án khai thác khoáng sản). Trường hợp cần đặc biệt thu hút đầu tư thì được xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% nhưng tối đa không quá 15 năm.
Áp dụng thuế suất 20% trong năm 2014 và 2015 đối với DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng thường xuyên trên 300 lao động và thực hiện bao tiêu sản phẩm thu hoạch cho người lao động không thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1/1/2016, thu nhập của DN trên được áp dụng thuế suất 17%.
Chính phủ quyết định không thu thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
Để hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 5% về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Mở rộng quyền tự do kinh doanh
“Rà soát loại bỏ các ngành, nghề không cần cấm; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính”...
Đó là những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc rà soát, xây dựng các danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư tại dự án Luật đầu tư (sửa đổi).
Về danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chủ động rà soát, đánh giá lại các yêu cầu quản lý, hoàn thiện danh mục này theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân và DN, phù hợp với yêu cầu hội nhập về đầu tư, thương mại quốc tế; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Chính phủ sẽ định kỳ tập hợp, rà soát, công bố danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để thống nhất áp dụng.
Về danh mục ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng danh mục này theo hướng đánh giá, tổng kết, kế thừa các quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm thu hút các dự án đầu tư, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn, nhằm phát huy có hiệu quả các ngành, lĩnh vực, địa bàn có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp với các bộ rà soát, hoàn thiện danh mục này theo hướng ưu đãi theo ngành, nghề, địa bàn có trọng tâm, trọng điểm; không áp dụng ưu đãi đầu tư theo địa bàn đối với các dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên, dự án đầu tư, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…
Các bộ liên quan phải hoàn thiện các danh mục ngành nghề trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc chỉnh lý, bổ sung các quy định này vào dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2014.
Gia Linh