Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành công thương, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp/ ngành đối với sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn (cơ khí, hóa chất, năng lượng) đã góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Một số sản phẩm từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng và ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Các hệ thống lưới điện đạt tiêu chuẩn ngành, bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân từng bước được nâng cao.

Phát triển mạng lưới chợ nông thôn đã góp phần phát triển kinh tế xã hội và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công được hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công được tăng cường. Quy mô và chất lượng các đề án khuyến công ngày càng được nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp ở nông thôn.

Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý, chính sách rõ ràng, khuyến khích thúc đẩy đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển hiệu quả các cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước.

Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đã bảo đảm ổn định việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua các hợp đồng kinh tế. Từ đó góp phần khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”; tạo sự liên kết trong sản xuất - kinh doanh, góp phần ngăn chặn các hành vi tranh mua, tranh bán…

Các chính sách thương mại, các hàng rào kỹ thuật và điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu ngày càng linh hoạt, hiệu quả tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu nông sản và bảo vệ sản xuất trong nước. Chính sách giá cả nông sản, nhất là giá lúa đã gắn với bảo đảm lợi ích của người sản xuất nông nghiệp, giải quyết hài hòa lợi ích của người sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Công tác kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại hàng nông, lâm, thủy sản ngày càng được quan tâm, phát triển theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế.

10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X: Phát huy thành quả, đẩy lùi khó khăn - Hình 1

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành công thương sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá, Bộ Công thương có vai trò to lớn trong việc thực hiện Nghị quyết 26 và sẽ ngày càng có vai trò to lớn hơn. Ngành Công thương đã nghiêm túc tổ chức thực hiện, triển khai nhiệm vụ thông qua việc phát triển thị trường nông sản trong nước, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng nhất và là động lực để phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Nhờ nỗ lực của ngành, hệ thống thương mại nông sản, vật tư nông nghiệp trong nước đã được thiết lập ngày càng hiệu quả hơn. Cơ sở hạ tầng dịch vụ thương mại bao gồm các chợ, kho bãi, bến cảng, hệ thống thông tin, dịch vụ về thị trường… đã ngày càng được nâng cấp và phát triển. Lưu thông hàng hóa trong nước cơ bản thông suốt tới các vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới việc phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng còn nhiều hạn chế và khó khăn. 

Đó là sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng cũng như thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới chỉ diện hẹp trên một số sản phẩm; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ. 

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương phải kiêm nhiệm khối lượng công việc nhiều; kinh phí khuyến công còn thấp; quy hoạch đầu tư hạ tầng nói chung và hạ tầng cụm công nghiệp nói riêng còn chậm; vấn đề tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm tại nông thôn trong chuỗi hệ thống phân phối còn nhiều bất cập, hệ thống kho bảo quản nông sản chưa đáp ứng yêu cầu...

Trong thời gian tới, nhiều nhiệm vụ cũng được đặt ra, như: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Tận dụng thời cơ cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng chợ thương mại điện tử nông sản quốc gia nhằm thúc đẩy giao dịch; Tập trung phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; Đẩy mạnh hoạt động khuyến công, mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu; Khuyến khích sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh đàm phán và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các giải pháp định hướng sản xuất các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh; Triển khai các thỏa thuận hợp tác thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản với các nước; Xóa đói giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, cần đánh giá một cách khách quan các kết quả đạt được về việc thực hiện Nghị quyết của ngành công thương. Đồng thời, nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại trong quá trình triển khai; xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để tìm ra giải pháp khắc phục. 

Mặt khác, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược của ngành để tiếp tục thực hiện hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết. Từ đó, trao đổi rút ra kinh nghiệm, bài học có giá trị phổ biến từ thực tiễn tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị cấp cơ sở, của ngành công thương. Đồng thời, đề xuất Trung ương quan điểm, chủ trương, cơ chế và chính sách; những giải pháp cụ thể thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc chỉ đạo điều hành. 

Minh Anh