Ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay mang số hiệu 11 và 175, do không tặc lao vào tòa tháp Bắc và tháp Nam tòa WTC. Máy bay số hiệu 77 đâm vào Lầu Năm Góc ở Washington, D.C. Chiếc máy bay số hiệu 93 lao xuống cánh đồng ở bang Pennsylvania. Vụ khủng bố khiến 2.977 người và toàn bộ hàng khách cũng như phi hành đoàn thiệt mạng.
Người “khai màn”
Ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra, Tổng thống Bush tuyên bố sẽ tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Đối tượng của cuộc chiến là mọi tổ chức khủng bố trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia hậu thuẫn và cung cấp thiên đường trú ẩn an toàn cho khủng bố. Kế hoạch bắt đầu với al-Qaeda và sau đó mở rộng ra mọi phần tử khủng bố trên thế giới. Danh sách hàng trăm tổ chức khủng bố được đưa ra, trong đó có “trục liên minh ma quỷ” theo cách nói của ông Bush, gồm Iran, Iraq và Triều Tiên.
Với cách tiếp cận này, không chỉ Mỹ mà còn nhiều nước khác trên thế giới đã cuốn vào guồng máy chống khủng bố toàn cầu, từ cuộc chiến chống khủng bố đầu tiên tại Afghanistan cho đến cuộc chiến tại Iraq và sau này là cả những nỗ lực chống các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong bộ phim tài liệu “11/9: Inside the President’s War Room” (tạm dịch: 11/9: Bên trong phòng chiến tranh của tổng thống) phát sóng trên đài BBC trước lễ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố, cựu Tổng thống Bush bảo vệ quyết định điều quân tới Afghanistan: “… Những quyết định đó công bố không vì tức giận, mà chỉ vì muốn bảo vệ người dân Mỹ. Tôi nghĩ mình đã làm đúng”.
Khi lên nắm quyền, năm 2009, Tổng thống Obama có sự chuyển đổi chính sách về cách đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Ông không theo đuổi ý tưởng về “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” - vốn thổi phồng các đe dọa khủng bố từ al-Qaeda tới Hamas và Hezbollah, mà thay thế bằng việc tập trung vào mối đe dọa do al-Qaeda gây ra.
Theo đó, ông Obama chỉ xác định các tổ chức khủng bố trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ và tập trung vào al-Qaeda. Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Obama đã gọi cuộc chiến Iraq là “cuộc chiến ngu ngốc”, và có hàm ý đánh giá ông Bush đã hiểu sai về thách thức đối với Mỹ sau vụ 11/9. Năm 2014, Obama điều chỉnh đối tượng chống khủng bố sang mục tiêu chủ yếu là IS.
Obama khởi động nỗ lực hòa giải với thế giới Hồi giáo từ trước chuyến thăm Ai Cập, tháng 5/2009, dẫn tới các xã hội cởi mở hơn. Điều này đã cho ông cơ hội chứng minh rằng không có gì đối lập nếu vừa theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố, vừa tái khởi động quan hệ với thế giới Hồi giáo.
Trong cuộc chiến tại Afghanistan, Obama ủng hộ nỗ lực của chính quyền Kabul trong việc mở cánh cửa đối với Taliban (2010); hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban, cũng như kế hoạch khởi động vòng mới của cuộc đàm phán trực tiếp giữa các lực lượng nổi dậy ở Afghanistan và Mỹ (2013); cuộc trao đổi tù binh giữa Taliban và Mỹ (2014)...
Chiến lược chống khủng bố mới
Gần 2 năm kể từ khi Donald Trump lên cầm quyền, ngày 4/10/2018, Mỹ công bố chiến lược chống khủng bố mới, được cho là xây dựng trên nền tảng các bài học được rút ra từ những nỗ lực trong quá khứ và đưa ra cách tiếp cận mới nhằm tăng cường sự an toàn của Mỹ.
Theo đó, chiến lược đưa ra một số phương thức tiếp cận, trong đó có việc truy đuổi tới tận ngọn nguồn, cô lập các tổ chức khủng bố khỏi các nguồn hỗ trợ; ngăn chặn những hoạt động hậu thuẫn và tuyển mộ các tay súng khủng bố; hiện đại hóa các phương tiện chống khủng bố; bảo vệ cơ sở hạ tầng của nước Mỹ; và tăng cường kiểm soát biên giới.
Cách tiếp cận này được đánh giá là rộng hơn và có sự khác biệt rõ rệt. Nếu như Obama tập trung vào mối đe dọa từ al-Qaeda, thì nay các nhóm Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa xuyên biên giới hàng đầu đối với Mỹ và các lợi ích của Washington ở nước ngoài, bao gồm cả Iran và các nhóm được Tehran bảo trợ, như phong trào Hezbollah ở Lebanon, Hamas và lực lượng thánh chiến Hồi giáo của Palestine.
Chiến lược mới đặt trọng tâm lớn hơn vào việc bảo vệ nước Mỹ, ngăn chặn các cuộc tấn công và giảm tác động của các cuộc tấn công nếu chúng xảy ra; đề cao tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao cũng như vai trò của các đối tác quốc tế trong nỗ lực chung chống khủng bố. Đồng thời, kêu gọi đồng minh chia sẻ gánh nặng với Mỹ trong cuộc chiến này.
Ông Trump là người khởi xướng việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan sau 20 năm hiện diện theo cách thức “tùy vào tình hình”. Vì thế, ông đánh giá việc rút quân khỏi Afghanistan theo cách của Tổng thống đương nhiệm “sẽ trở thành một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Một cách tiếp cận khác
Ông Biden lên nắm quyền trong bối cảnh cựu Tổng thống Trump và Taliban đã ký thỏa thuận về việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 1/5, chỉ hơn ba tháng sau khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, có thể thấy cách tiếp cận của ông Biden về cuộc chiến chống khủng bố ngay từ khi ông còn là phó tổng thống.
Theo ông Biden, nước Mỹ nên tập trung trong phạm vi hẹp chống khủng bố, không phải chống nổi dậy hay xây dựng quốc gia khác. Năm 2009, ông Biden phản đối việc tăng quân và đề xuất rút binh sĩ từ Afghanistan về nước song không được chấp nhận. Những tháng đầu của nhiệm kỳ, mặc dù được cảnh báo việc rút toàn bộ quân đội Mỹ, Taliban sẽ tái chiếm quyền lực, ông vẫn tuyên bố rút hết binh sĩ về nước.
Điều đó phản ánh sự chuyển hướng chính sách của Mỹ sang ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì theo ông, các đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ không muốn gì khác hơn là Mỹ tiếp tục dành hàng tỷ USD tài nguyên và sự chú ý vào việc ổn định Afghanistan vô thời hạn.
Ông Biden cho rằng, nhiệm vụ tiêu diệt những kẻ đã tấn công ngày 11/9 và đảm bảo rằng al-Qaeda không thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tấn công nước Mỹ thêm một lần nữa đã hoàn thành. Mỹ sẽ không lặp lại những sai lầm đã mắc phải trong quá khứ, khi ở lại và chiến đấu vô thời hạn không vì lợi ích của Mỹ.
Theo ông Biden, ngày nay, mối đe dọa khủng bố đã lan rộng: Al-Shabab ở Somalia, al-Qaeda ở Bán đảo Arab, al-Nusra ở Syria, IS cố gắng tạo ra một nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq... Song Mỹ có thể thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố hiệu quả mà không có sự hiện diện quân sự thường xuyên, do Washington đã phát triển khả năng chống khủng bố từ xa.
Như vậy, các chính quyền ở Mỹ đều nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố với cách tiếp cận và phương thức riêng, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, sự kiện Taliban tái chiếm quyền lực ở Afghanistan, cùng với những động thái bất ngờ của IS-K ở Kabul vừa qua cho thấy các mối đe dọa về khủng bố vẫn tiềm ẩn, đòi hỏi phải giải quyết tận gốc dễ nguồn cơn của nó và sự tham gia của tất cả các quốc gia trên thế giới./.