( THCL) _ Nếu như năm 2013, thị trường xôn xao bởi thông tin chân gà, hàng hiệu Gucci… nhập lậu thì năm nay, mặt hàng thực phẩm đông lạnh như thịt gà, bò, nội tạng thối đến những món đồ đắt tiền hơn như Iphone 6, máy tính bảng, xe đạp điện nhập lậu… lại khiến dư luận ồn ào hơn cả.
Thực phẩm nhập lậu và những con số đáng báo động
Các vụ bắt giữ vận chuyển nội tạng thối đang giữ con số đáng báo động. Năm 2014, cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán nội tạng, trong đó có những vụ bắt số lượng lớn với hàng trăm tấn hàng lậu.
Là những tỉnh giáp biên giới, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… được coi là “vùng trọng điểm” của hàng lậu. Chỉ tính trong tháng 10/2014, Lạng Sơn đã bắt giữ 14 vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm, nội tạng động vật nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tại Quảng Ninh, năm 2014, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã bắt giữ và xử lý 227 vụ vận chuyển, kinh doanh gia cầm, thực phẩm nhập lậu, không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; tịch thu, tiêu hủy nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả như bánh kẹo, xúc xích, rượu, ngô hộp, nội tạng động vật… Điển hình, trong 2 ngày 16 - 17/11, tại khu 4, phường Hải Hoà (TP. Móng Cái), Công an TP. Móng Cái đã liên tiếp bắt giữ 4 vụ vận chuyển, tập kết hàng hóa nhập lậu được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào nội địa để tiêu thụ, thu giữ lượng lớn hàng hóa bao gồm cá quả sống và mực cấp đông; bánh kẹo các loại, tổng giá trị hàng hoá trên 76 triệu đồng.
Mới đây, ngày 17/12/2014, Đồn Biên phòng Quảng Đức đã bắt giữ 1 ô tô mang biển kiểm soát giả, do Lê Văn Hưng (SN 1985, trú tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) điều khiển, chở 95 khay nhựa, gồm 15.000 con gà giống nhập lậu tại khu vực ngã ba bản Kháy Phầu, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Số lượng hàng hóa này đang trên đường vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.
Vụ bắt giữ 100 tấn hàng lậu khiến nhiều cán bộ bị điều chuyển công tác
Ngày 2/11, Công an tỉnh Quảng Ninh đã thu giữ khoảng 100 tấn hàng lậu các loại gồm vải, quần áo, mỹ phẩm và đồ điện tử đã qua sử dụng, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Số hàng lậu được vận chuyển từ bến sông biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, thuộc khu 4, phường Hải Hòa về 3 khu vực tập kết tại kho chợ ASEAN; kho cây dừa (đều thuộc khu 4, phường Hải Hòa) và kho của Công ty Thương mại Móng Cái. Riêng tại kho của Công ty Thương mại Móng Cái, có tổng số 7 xe ô tô chứa đầy hàng lậu.
Đây là một vụ bắt giữ hàng lậu lớn nhất trong năm - được lực lượng chức năng bắt giữ. Đồng thời, đây cũng là vụ buôn lậu gây nhức nhối với nhiều cán bộ của tỉnh Quảng Ninh. Ngay sau vụ bắt giữ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm đối với các lực lượng chức năng liên quan; theo đó, buộc phải điều chuyển công tác đối với lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đình chỉ công tác 01 sỹ quan, 05 quân nhân chuyên nghiệp của Đồn Biên phòng Hải Hòa, do trong ca trực để xảy ra vụ buôn lậu với số lượng lớn.
Việt Nam nhập lậu nhiều sừng tê giác nhất thế giới
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc cơ quan Quản lý CITES (Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã) cho biết: "Có 43% số dân săn tê giác đến từ Việt Nam". Theo ông Tùng, Việt Nam là thị trường trung chuyển lớn nhất thế giới về sừng tê giác.
Đại diện Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, sừng tê giác nhập lậu vào nước ta nhiều nhất từ các nước Arab Saudi, Ấn Độ… Tính đến tháng 7/2014, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 vụ, thu giữ 5 sừng, tổng trọng lượng 13 kg.
Ngày 27/10, cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phát hiện số lượng lớn sừng động vật được cất giấu; qua kiểm tra, xác định số sừng này có tổng trọng lượng 6 kg, giá trị trên thị trường chợ đen là 4 tỷ đồng.
Gần đây, ngày 1/11/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội bài bắt giữ vụ vận chuyển 7 kg sừng tê giác trên chuyến bay từ Thái Lan về Việt Nam. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3 hành khách cất giấu trong người 6 miếng sừng động vật, tổng trọng lượng gần 7 kg đã được cắt nhỏ. Tuy nhiên, số sừng này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên cán bộ hải quan tiến hành lập biên bản xử lý, niêm phong tang vật.
Bắt vụ nhập lậu điện thoại Iphone 6 lớn chưa từng có
Ngày 11/10/2014, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã xem xét, xử lý hành chính đối với hai hành khách vận chuyển lậu 240 chiếc điện thoại Iphone 6.
Số điện thoại Iphone 6 nhập lậu, do hai người quốc tịch Mỹ nhập cảnh trên chuyến bay CI781 từ Đài Loan vận chuyển. Cơ quan chức năng phát hiện số điện thoại này được cất giấu trong hành lý không khai báo hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đây là vụ nhâp lậu Iphone 6 lớn nhất được phát hiện, kể từ khi loạt điện thoại cao cấp này bày bán ra thị trường.
Bắt lô máy laptop có giá… 50.000 đồng/chiếc
Bắt lô xe đạp điện, máy laptop có trị giá 50.000 - 400.000 đồng/chiếc
Hai tháng trước, vụ bắt lô xe đạp điện, máy laptop có trị giá 50.000 - 400.000 đồng/chiếc được nhiều người quan tâm... Cụ thể, trưa ngày 14/10, tại phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn, Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Trung ương phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn phát hiện 4 ô tô chở quần áo, phụ tùng ô tô, máy tính, xe đạp điện... có dấu hiệu buôn lậu.
Khi kiểm tra, hóa đơn ghi các loại hàng này có giá rẻ đến khó tin. Máy laptop chỉ có giá 50.000 đồng/chiếc, xe đạp điện 400.000 đồng/chiếc, phụ tùng ô tô 10.000 đồng/kg.
Các lái xe khai nhận, số hàng này được đưa từ khu vực biên giới thuộc huyện Đình Lập (Lạng Sơn) về phân phối cho nhiều chủ hàng trong và ngoài tỉnh. Tất cả hàng hóa đều xuất xứ từ Trung Quốc. Số hàng này sau khi về Việt Nam sẽ được hợp thức hóa giấy tờ.
Ngoài ra, trong năm vừa qua, các cơ quan chức năng ở các tỉnh, địa phương đã phối hợp và bắt giữ hàng trăm tấn hàng hóa nhập lậu khác như thuốc lá, hàng gia dụng, rượu, thực phẩm, mỹ phẩm… có giá trị hàng nghìn tỷ đồng, góp phần đẩy lùi tệ nạn buôn bán hàng lậu thẩm lậu vào nội địa, trích nộp ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình hình những tháng cuối năm 2014 còn nhiều khó khăn, thách thức, nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 để xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại với quyết tâm “quét” hàng lậu
Bùi Quyền