Một trong những khó khăn lớn tác động đến nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024 của thành phố là do tình hình thế giới dự kiến tiếp tục bất ổn, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng mạnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Về phía Trung ương vẫn tiếp tục duy trì các chính sách đã ban hành nhằm hỗ trợ người nộp thuế, như: Giảm thuế GTGT 6 tháng đầu năm 2024 (dự kiến giảm số thuế nộp ngân sách của thành phố gần 25 tỷ đồng); giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước hằng năm của năm 2023 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (dự kiến giảm số thuế trên 72 tỷ đồng); gia hạn thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến giảm số thuế khoảng 50 tỷ đồng). Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, chứng khoán vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án triển khai trên địa bàn gặp vướng mắc trong quá trình triển khai do nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, nhiều dự án phải điều chỉnh quy hoạch…

Phối cảnh Trung tâm Thương mại TP Hạ Long tại phường Bãi Cháy.
Phối cảnh Trung tâm Thương mại TP Hạ Long tại phường Bãi Cháy.

Ông Vũ Ngọc Lâm, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Hạ Long, cho biết: Ngay đầu tháng 1/2024, thành phố đã xây dựng chi tiết kịch bản điều hành thu ngân sách để phân chia thời gian thực hiện, xác định rõ từng địa chỉ thu, phân chia các sắc thu và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị liên quan. Đồng thời, thành phố Hạ Long xây dựng các giải pháp rất cụ thể và đưa ra nhiều quyết sách mới, tập trung vào thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao "sức khỏe" cho doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến cấp quyền sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ GPMB… để tạo nền tảng hết sức cơ bản cho tăng trưởng kinh tế, từ đó đóng góp vào ngân sách của thành phố.

Theo kịch bản điều hành, số thu 9.112 tỷ đồng bao gồm thu từ đất (tiền sử dụng đất và tiền thuê đất 1 lần) là 6.025 tỷ đồng; thu phí tham quan Vịnh Hạ Long là 800 tỷ đồng; thu thuế phí, lệ phí là 2.287 tỷ đồng.

Trong quý I/2024, thành phố Hạ Long phấn đấu thu trên 1.000 tỷ đồng (bằng 11,4% dự toán tỉnh giao). Thành phố nhận định quý I rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán nên các khoản thu tập trung chủ yếu là thuế, phí. Thời gian này, thành phố tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, cập nhật kế hoạch phát triển nhà ở, kế hoạch sử dụng đất; tập trung tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, trọng tâm là lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Quý II, thành phố dự kiến thu gần 1.300 tỷ đồng (bằng 15% dự toán tỉnh giao). Theo đó, thành phố tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến du lịch hè và văn hóa thể thao, tạo sức thu hút cho du khách; đôn đốc thu thuế thu nhập doanh nghiệp qua quyết toán thuế của các doanh nghiệp và thu tiền thuê đất hằng năm kỳ 1 của doanh nghiệp, rà soát doanh thu của các hộ, cá nhân kinh doanh.

Trong quý III, dự kiến thành phố thu khoảng 3.000 tỷ đồng, vì đây là thời điểm thị trường khách du lịch nội địa có sự sôi động nhất trong năm. Thành phố sẽ đôn đốc người dân nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền thuê đất hằng năm kỳ 2 của doanh nghiệp; báo cáo UBND tỉnh phê duyệt giá đất và tổ chức đấu giá các dự án, tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp. Quý IV, thành phố dự kiến thu khoảng 3.800 tỷ đồng. Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là tổ chức làm việc với các đơn vị có số nợ lớn trên 300 triệu đồng kéo dài, tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch vào mùa đông, rà soát tổng số thu tiền sử dụng đất tái định cư...

Cùng với những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho từng quý đặt ra theo kịch bản điều hành thu, năm 2024, TP Hạ Long xây dựng kế hoạch rất cụ thể để tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng đất trong các hộ dân. Giải pháp này, năm 2023 đã rất đúng và trúng khi chỉ trong 3 tháng cuối năm, thành phố thu khoảng 500 tỷ đồng tiền sử dụng đất thông qua việc đẩy nhanh các thủ tục, rà soát hồ sơ, số nợ tiền sử dụng đất trong các hộ dân. Thống kê trung bình thành phố thu bình quân 15 tỷ đồng/tuần tiền sử dụng đất và hiện nay dư địa thu từ khoản này còn rất lớn.

Ông Hồ Ngọc Hoài, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Hồng Hà, chia sẻ: Xác định rõ nhiệm vụ trong thu ngân sách nên năm 2024 phường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban liên quan của thành phố để rà soát, đôn đốc và hướng dẫn hộ dân nộp tiền sử dụng đất còn nợ đọng, nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, làm hồ sơ xét duyệt nguồn gốc làm cơ sở công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trần Trang (t/h)