Đến hết phiên, đã có 3 nhà đầu tư tổ chức đứng ra mua lại 69 triệu cổ phiếu VGC từ Bộ Xây dựng, chiếm 86% tổng lượng cổ phiếu chào bán đợt này. Trong đó, khối lượng đặt mua cao nhất là 37 triệu cổ phiếu, và thấp nhất là 5 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, danh tính 3 nhà đầu tư đứng ra gom lượng lớn cổ phần tại Viglacera chưa được tiết lộ. Dữ liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết toàn bộ 69 triệu cổ phiếu VGC được mua vào đợt này đều ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giá khởi điểm mà Bộ Xây dựng đưa ra. Ước tính, Bộ Xây dựng đã thu về khoản tiền khoảng 1.587 tỷ đồng từ đợt bán vốn này.

3 nhà đầu tư chi gần 1.600 tỷ đồng mua 69 triệu cổ phiếu VGC - Hình 1

Sau phiên đấu giá, Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ gần 173 triệu cổ phiếu VGC

Hơn 80,58 triệu cổ phiếu VGC được rao bán là số cổ phần nằm trong phương án thoái vốn đợt 1 của Bộ Xây dựng phê duyệt tại Tổng công ty Viglacera. Số cổ phiếu tương đương 17,97% vốn điều lệ tổng công ty và được đấu giá công khai, nhưng không thấp hơn 23.000 đồng/cổ phiếu.

Số cổ phiếu này từng được Bộ Xây dựng rao bán với khá khởi điểm 26.100 đồng vào năm 2018 nhưng không thành công.

Với 69 triệu cổ phiếu đã bán đợt này, Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ gần 173 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng 38,6% vốn cổ phần tại Viglacera.

Tổng công ty Viglacera tiền thân là công ty Gạch ngói Sành sứ xây dựng, được thành lập năm 1974. Đây là một đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Ngoài mảng vật liệu xây dựng, Viglacera còn lấn sân sang cả bất động sản và đã triển khai 15 dự án có quy mô lớn như Dự án khu nhà ở dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), Dự án 1.000 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị Ðặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội); Dự án khu nhà ở thu nhập thấp ở Ðại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội)...

Năm 2018 vừa qua, Viglacera ghi nhận 9.013 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với năm 2017. Khoản lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm gần 8%, xuống còn 667 tỷ đồng.

Hằng Vương (t/h)