THCL - Đó là kết quả cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng tại 3.453 doanh nghiệp trên cả nước năm 2016 về cải cách thủ tục hành chính thuế, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Thuế và Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ cải cách hành chính trong thủ tục thuế, vẫn còn có những tồn tại. Không chỉ doanh nghiệp có số thu cao gặp phiền hà về thủ tục thuế, doanh nghiệp càng lớn càng bị kiểm tra, thanh tra thuế, đây là xu hướng đã tồn tại từ những năm 2014.

34% DN phải trả chi phí không chính thức cho thanh tra thuế - Hình 1

Ảnh minh họa

Theo thống kê, trong khi chỉ có 32% doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng cho biết có bị thanh tra kiểm tra thuế thì với đơn vị có doanh thu từ 1-10 tỷ đồng, tỷ lệ này lên tới 53%. Thậm chí, với nhóm doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng, 74% số đơn vị được hỏi cho rằng họ có tiếp đón đoàn thanh kiểm tra thuế trong vòng 1 năm trở lại đây.

Việc này, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) sẽ dẫn tới hệ quả, các doanh nghiệp khó có động lực để lớn lên vì tỷ lệ bị thanh kiểm tra thuế cao. Ngoài ra, ông cũng tiết lộ, riêng việc thanh kiểm tra cũng bị doanh nghiệp kêu là chồng chéo: Ngoài cơ quan thuế, còn có công an, kiểm toán, quản lý thị trường hay thậm chí… kiểm lâm.

Cũng về thanh kiểm tra, phần lớn doanh nghiệp cho rằng, thời gian thanh kiểm tra đúng với quyết định (95%) và thái độ cán bộ thuế đúng mực (90%). Tuy nhiên, vấn đề được các đơn vị nêu lên là, vẫn có tình trạng “trong quá trình thanh tra phải chi thêm nhiều khoản chi cho cán bộ thuế để không bị hành”.

Chi phí không chính thức cũng là một phần đáng chú ý nhất của kết quả khảo sát khi 34% doanh nghiệp cho rằng có hiện tượng chi trả khoản chi phí này. So với năm 2014, tỷ lệ đã đã tăng nhẹ (năm 2014 là 32%).

Vậy nếu không chi trả chi phí không chính thức, doanh nghiệp có bị phân biệt đối xử không? Kết quả khảo sát cho thấy, 39% doanh nghiệp cho biết là “Có.” Con số chỉ giảm nhẹ so với mức 40% đồng tình của năm 2014.

Cũng về công chức thuế, kết quả cho thấy 53% đánh giá tác phong của công chức thuế tốt/rất tốt tuy nhiên bà Nicola Smithers, Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, còn gần 50% doanh nghiệp không nghĩ như vậy.

Đây là vấn đề theo bà liên quan tới con người nên cơ quan chức năng cần có thêm những hoạt động đào tạo. Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn, điều này phải thực hiện trong khi cán bộ thuế… rất bận rộn vì phải phục vụ người dân.

Thừa nhận công tác thuế còn những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm. Một số vấn đề được ông nêu lên là đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng mạnh công nghệ, áp dụng quản lý rủi ro để thanh kiểm tra mà không làm phiền doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm các đơn vị chức năng đang rà soát hàng loạt quy trình nghiệp vụ thuế và sẽ công khai để xã hội cùng giám sát.

PV