Qua kiểm tra 2 phương tiện của 8 nghi phạm, cảnh sát phát hiện có nhiều xương, thịt và da sư tử, hổ, cùng các thiết bị, máy móc dùng để cưa xương. Giới hữu trách Nam Phi cho hay 40 con sư tử đã bị giết hại tại một trang trại từ ngày 23 - 24.11. Cả nhóm bị tạm giam để chờ ngày ra tòa. Theo TTXVN, đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đang tiến hành các bước cần thiết để nắm tình hình vụ việc và thực hiện công tác bảo hộ đối với 6 người Việt kể trên.

6 công dân Việt Nam bị bắt tại Nam Phi vì buôn lậu động vật quý - Hình 1

Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều người Việt bị bắt ở các nước với cáo buộc sở hữu và vận chuyển trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm.

Hồi tháng 10, giới chức Kenya bắt giữ một người đàn ông quốc tịch Việt Nam tên Truong Trung Hieu vì nghi buôn lậu sản phẩm làm từ động vật hoang dã (ĐVHD). Tờ The Star (Kenya) dẫn thông báo của Cục Bảo vệ động vật hoang dã Kenya cho biết ông Truong bị bắt do bị phát hiện mang theo 8 răng nanh và 3 móng vuốt sư tử cùng 2 răng nanh lợn rừng, khi đang quá cảnh tại sân bay Nairobi trên hành trình từ Liberia về Bangkok (Thái Lan).

Cũng trong tháng 10, cảnh sát tỉnh Phitsanulok, miền trung Thái Lan bắt giữ 2 người Việt tên Le Binh (40 tuổi) và Nguyen Van Tung (29 tuổi) khi bị phát hiện mang theo hành lý có giấu xương và thịt hổ sấy khô khi đang đi xe buýt từ tỉnh Tak ở miền tây đến tỉnh Mukdahan ở miền đông, giáp giới Lào. Cảnh sát Thái Lan nghi ngờ hai người này là thành viên của một nhóm buôn lậu thịt và xương hổ tại Việt Nam.

Trước đó, công dân VN Nguyen Vinh Hai (29 tuổi) hồi tháng 2 bị tòa án Singapore kết án 15 tháng tù giam vì buôn lậu sừng tê giác từ Angola. Theo tờ The Straits Times, Hai bị bắt ngày 31.8.2017 khi đang quá cảnh tại sân bay Changi trong hành trình từ Dubai sang Luang Prabang (Lào). Qua kiểm tra, hải quan Singapore phát hiện trong hành lý của Hai có 5 hộp nhỏ đựng 8 miếng sừng tê giác đen đã bị cắt ra và một bịch nhỏ chứa bột sừng tê giác. Tổng cộng số hàng nặng 3,15 kg này được cắt ra từ 3 chiếc sừng của ít nhất 2 con tê giác, và ước tính trị giá 204.750 USD (4,7 tỉ đồng).

Theo giới chuyên gia, thị trường buôn bán ĐVHD trái phép có giá trị 150 tỉ USD/năm, nổi bật là các khu vực như ASEAN, Nam Á hay châu Phi.

Hà Trần(t/h)