Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng nhấn mạnh những kết quả nổi bật, toàn diện của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở địa phương, cơ sở. Hội nghị cũng được nghe các ý kiến của đại diện các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tham luận, thảo luận, làm rõ hơn những kết quả đạt được, nhất là rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những kết quả mà các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc được chỉ ra qua các hội nghị sơ kết, giao ban trước đây; bám sát sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy để chỉ đạo triển khai khá toàn diện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từ công tác phòng ngừa đến phát hiện, xử lý, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở, qua đó khẳng định “trên đã nóng, dưới cũng đang nóng”. Kết quả cụ thể được thể hiện trên 6 hoạt động chính sau:
Các Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, vừa trực tiếp kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương. Nhất là, đã khẩn trương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương (như các vụ án xảy ra tại Công ty AIC, tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An,…); trực tiếp tiến hành 123 cuộc kiểm tra, giám sát công tác PCTNTC (tính từ khi thành lập đến nay đã tiến hành 362 cuộc).
Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã xử lý kỷ luật 66 trường hợp người đứng đầu, trong đó có 24 trường hợp bị xử lý hình sự; kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với 172 trường hợp cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút (trong đó có 02 trường hợp diện Trung ương quản lý, 34 trường hợp diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý).
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban chỉ đạo đã phát hiện, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng kéo dài, liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của địa phương.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đã khởi tố mới 444 vụ án/1.242 bị can về tội tham nhũng (tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm 2023) và tất cả 63 tỉnh, thành phố đềukhởi tố mới án tham nhũng.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 107 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý (tính từ khi thành lập đến nay, chỉ trong vòng 2 năm, các địa phương đã khởi tố mới hơn 1.440 vụ án, 3.950 bị can về tội tham nhũng, tăng gần 200 vụ án và tăng hơn 1.150 bị can so với số vụ án tham nhũng, bị can khởi tố mới của cả nước trong nhiệm kỳ Đại hội XII). Điều này cho thấy các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao trong việc đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở và khẳng định hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá, thể chế hoá để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC.Trong 6 tháng đầu năm, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã ban hành, tham mưu ban hành hơn 2.400 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC ở địa phương. Một số Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, không dám làm trong cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, như: Yên Bái, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Ninh Thuận,…
Các Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTNTC ở địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của địa phương đã chuyển 124 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định; chuyển 21 vụ việc liên quan sai phạm của cán bộ, đảng viên đến ủy ban kiểm tra có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định.
PV (t/h)