Theo nghiên cứu thuộc Đại học Stanford (Mỹ), đổi mới sáng tạo có thể đóng góp đến 85% tổng mức tăng trưởng kinh tế. Ở đó, con người là lõi của đổi mới sáng tạo, còn doanh nghiệp là nơi thực thi đổi mới sáng tạo.
Có đến 70% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát mới đây cho biết sẽ tăng ngân sách cho đổi mới trong ít nhất 02 năm tới. Mạnh mẽ hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp Việt đang từng ngày nắm bắt công nghệ mới, làm chủ cách thức mà thế giới vận hành.
Những người thợ cơ khí Việt Nam một thời bị xem là lạc hậu, giờ đây đang tham gia vào dây chuyền chế tạo và lắp đặt hoàn chỉnh các module điện phân đầu tiên trên thế giới. Một thiết bị không thể thiếu để tạo ra nguồn năng lượng Hydro xanh.
"Nếu chúng tôi không phát triển, chúng tôi đứng yên tại chỗ, những người thợ lao động như chúng tôi cũng sẽ bị đào thải", ông Hà Văn Đức, Giám đốc thi công Dự án Neom, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam nhận định.
Đào thải, lạc hậu, quên lãng từng là nỗi ám ảnh của hàng nghìn công nhân, kỹ sư khi ngành cơ khí nhà nước bước ra khỏi thời kỳ vàng son. Những gì từng là đỉnh cao dần bị thay thế. Không chấp nhận bỏ cuộc, những người thợ cơ khí này đã mạnh dạn thử thách chính mình, nhưng cũng là sức ép để lột xác khi quyết định tham gia vào dây chuyền sản xuất Hydro xanh toàn cầu, trở thành một trong ít doanh nghiệp cơ khí đầu tiên trên thế giới bước vào lĩnh vực này.
"Nếu không thay đổi mà anh chỉ dừng lại, kể cả những doanh nghiệp đang rất thành công thì cũng là chết. Nếu mà không thay đổi thì nhiệt điện chạy than bây giờ làm gì còn, thủy điện cũng không còn mà xi măng thì cũng không còn ví dụ như vậy. Thì nếu mà chúng ta không thay đổi thì chẳng lẽ chúng ta đóng cửa doanh nghệp", ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam thông tin.
Đó là cách mà chúng ta đổi mới công nghệ sản xuất để hướng ra thế giới. Ngược lại có những công nghệ nền tảng của thế giới lại được tiến hoá rất nhanh tại Việt Nam. Bao gồm: AI (trí tuệ nhân tạo), Big data (Dữ liệu lớn), Cloud computing (Điện toán đám mây), Data science (Khoa học dữ liệu), tiềm năng trở thành trung tâm lưu trữ dữ liệu lớn của khu vực và thế giới.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, "Tràn đầy năng lượng, chấp nhận rủi ro là hai yếu tố cực kỳ quan trọng cho bất kỳ một doanh nghiệp, một con người nào mà chúng ta tiên phong trong những sản phẩm cũng như là tiên phong những dịch vụ phục vụ cho xã hội, phục vụ cho cộng đồng".
Việt Nam là điểm đến đầu tư công nghệ cao
Làm chủ công nghệ sẽ là chìa khoá thành công của các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên số. Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế (tăng 2 bậc so với năm 2022). Nhờ vậy, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến của các tập đoàn công nghệ toàn cầu, không chỉ đáp ứng sản xuất mà còn là nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Chip của Nvidia luôn là tâm điểm của các xu hướng công nghệ chủ đạo. Đằng sau sự thành công này là người đàn ông có vẻ ngoài giản dị, CEO Nvidia Jensen Huang. Với chiến lược, mọi doanh nghiệp trị giá nghìn tỷ USD đều bắt đầu với thị trường trăm tỉ USD. Ông đặt cược với các thị trường mới để trở thành ngôi sao của ngành bán dẫn. Nhưng đến Việt Nam lần này là sự cam kết chắc chắn: Doanh thu tăng gấp 3 lần sau 05 năm, giá cổ phiếu tăng 170%.
Ông Jensen Huang - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Nvidia cho biết: Chúng tôi cam kết thực hiện kế hoạch để Việt Nam thành "quê hương thứ hai" của Nvidia và sẽ thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Không chỉ có lời hứa, sự cam kết mà đã có các bước đi cụ thể của các tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, toàn bộ hệ thống nhà xưởng trên diện tích 23ha là trung tâm sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới trong mạng lưới sản xuất của tập đoàn Amkor Technology.
Ông Giel Rutten - Tổng Giám đốc điều hành toàn cầu Tập đoàn Amkor Technology cho biết: "Chúng tôi đã khảo sát nhiều địa điểm để lựa chọn đặt nhà máy và đã lựa chọn Việt Nam vì hệ sinh thái nhiều nhà cung ứng bán dẫn, thiết bị điện tử, vi mạch. Việt Nam được biết đến là quốc gia trong nhóm dẫn đầu xuất khẩu công nghệ cao".
Báo cáo "Những người khổng lồ mới nổi ở Châu Á -Thái Bình Dương" do Ngân hàng HSBC và Công ty kiểm toán toàn cầu KPMG công bố, Việt Nam là một trong các quốc gia có môi trường khởi nghiệp trẻ và năng động bậc nhất Châu Á. Đây chính là nguồn lực cho đổi mới sáng tạo quốc gia.
"Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có tầm nhìn và cải cách rất cần thiết để thúc đẩy đầu tư cho con người và hạ tầng cho đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn quốc gia", bà Mary Thorton, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) nhận định.
Theo tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua. Chúng ta cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều bậc thang để phải bước bởi vì chúng ta bước 1 bước thì thế giới đã bước thêm nhiều bước, thậm chí chỉ trong nháy mắt đã vượt xa chúng ta. Trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội.
Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã nêu rõ: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số". Đây sẽ là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của quốc gia, đặc biệt trong thời đại 4.0. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là không giới hạn, chính vì vậy mà ngay cả cách thức triển khai từ nhà nước tới doanh nghiệp, con người đều phải bứt phá, sáng tạo hơn.
Trúc Mai