Tại một doanh nghiệp, đơn hàng đã ký đến hết năm 2024 với sản lượng sản xuất trên 150.000 tấn cấu kiện thép, tăng hơn 50% so với năm trước. Trong những ngày đầu năm, công nhân tại các nhà máy làm việc 3 ca/ngày, thậm chí sản xuất xuyên Tết để kịp tiến độ giao hàng.
Một doanh nghiệp khác đã có đơn hàng đến hết quý II/2024 nên công nhân được tăng ca 5 ngày/tuần, mỗi ngày 1,5 tiếng. Sản xuất những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và có độ khó cao là lợi thế khiến doanh nghiệp có thêm đơn hàng ngay đầu năm mới.
Với khí thế lao động sôi nổi tại các nhà máy, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng năm 2024 sẽ là một năm phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của S&P Global - Tập đoàn đa quốc gia tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính, chỉ số quản trị mua hàng của ngành sản xuất Việt Nam (PMI) đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, do tình hình kinh tế cải thiện khiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại.
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, chỉ số PMI của Việt Nam quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm, lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12/2023. Kết quả chỉ số cho thấy, sức khỏe của ngành sản xuất cải thiện lần đầu tiên sau 5 tháng.
Các nhà sản xuất Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) nhận định: sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang đúng hướng. Để tiếp tục duy trì đà tăng trường này, cần tập trung đổi mới, xây dựng quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với các thị trường xuất khẩu trọng điểm và nâng cao giá trị xuất khẩu thông qua chế biến.
Trúc Mai