Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khi Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT, 5.235 tấn thủy sản của các doanh nghiệp đã bị tồn đọng, không xuất khẩu được.

Thông tư số 21 được Bộ NN&PTNT ban hành ngày 15/11/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, có nội dung quy định công bố danh sách cảng cá đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2019, Bộ NN&PTNT mới công bố 47/83 cảng cá đang hoạt động là đủ điều kiện.

90 tấn hàng thủy sản chưa xuất khẩu được vì vướng Thông tư 21: Bộ NN&PTNT nói gì? - Hình 1

Ảnh minh họa

Trả lời câu hỏi "vì sao đến nay Bộ mới công bố 47 cảng cá đủ điều kiện?:, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, quy trình thực hiện là địa phương rà soát, làm thủ tục đề xuất Bộ NN&PTNT ra quyết định công bố nên nhanh hay chậm là do... địa phương.

Liên quan đến 5.235 tấn thủy sản, do doanh nghiệp mua trước thời điểm Bộ công bố danh sách 47 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, số thủy sản nói trên được đưa về kho của doanh nghiệp để thực hiện chế biến theo đơn hàng, không phải ứ đọng tại cảng cá. 

Đến nay, 26 cảng cá trong tổng số 47 cảng được Bộ công bố đang thực hiện xác nhận nguồn gốc cho 5.145 tấn thủy sản. Hiện chỉ còn khoảng 90 tấn được thu mua tại cảng cá Kỳ Hà (Quảng Nam), Xẻo Nhào (Kiên Giang), Hưng Thái (Bà Rịa - Vũng Tàu) phải xem xét để thống nhất hướng xử lý.

Về hướng giải quyết đối với 90 tấn thủy sản nói trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã trao đổi với VASEP và thống nhất tiêu thụ tại thị trường nội địa hoặc tìm những thị trường khác không gắt gao hơn. Số thủy sản này, cũng không chuyển sang xác nhận nguồn gốc ở các cảng khác được, do hồ sơ đã vào 3 cảng trên.

Hằng Vương(T/h)