Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm còn 4,7% trong quý I/2020, so với 12% cùng kỳ năm trước (Ảnh: N.BÌNH)Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm còn 4,7% trong quý I/2020, so với 12% cùng kỳ năm trước (Ảnh: N.BÌNH)

Năm nay, buổi công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020) của ADB cũng không tổ chức họp báo như thường lệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổ chức này nhận định kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch, sự bùng phát của dịch bệnh đã leo thang lên một giai đoạn mới vào tháng 3, tác động mạnh đến tất cả các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam, hình thành các cú sốc đối với cả phía cung và cầu ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Hàng loạt lĩnh vực, từ chế biến chế tạo, bán lẻ, xuất nhập khẩu đều đi xuống trong quý I. Tăng trưởng đã giảm xuống mức 3,8% trong quý I/2020 so với mức 6,8% của cùng kỳ năm 2019.

Một khảo sát doanh nghiệp được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện vào tháng 3/2020 cho biết 74% số doanh nghiệp được khảo sát dự kiến phải tạm thời dừng hoạt động nếu đến tháng 6-2020 bệnh dịch vẫn chưa được khống chế.

Tuy nhiên, so với bối cảnh chung, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá vững mạnh, ADB cho rằng GDP của Việt Nam năm 2020 được dự báo tăng 4,8%.

Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, mức tăng trưởng kinh tế sẽ là 6,8% trong năm 2021, ngang với mức dự báo của ADB trước khi Covid-19 xuất hiện. Trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Báo cáo của ADB cũng cho biết lạm phát bình quân năm nay của Việt Nam dự kiến ở mức 3,3%, và tiếp tục tăng lên 3,5% năm 2021. Nếu đại dịch tồi tệ hơn dự báo và đặc biệt nếu giá thịt heo vẫn tiếp tục cao, áp lực lạm phát có thể tăng.

Thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến ở mức 0,2% GDP năm nay, trước khi khôi phục được mức thặng dư 1% GDP vào năm 2021.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng dù các hoạt động kinh tế đi xuống và các rủi ro do đại dịch vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

ADB nhận định động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn đang được cải thiện, nhưng cần cải thiện chính sách để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo.

"Một hành lang pháp lý thuận lợi, cho phép ươm tạo, nuôi dưỡng việc áp dụng fintech sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính theo cả chiều sâu và chiều rộng", báo cáo nhận định.

Theo Tuổi trẻ