Theo ngân hàng Nhà nước, quá trình xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 15/08/2017. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống TCTD.
Tỷ lệ nợ xấu đã giảm nhanh
Đánh giá cao về kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng nhanh và chắc chắn. Nếu như những năm trước, nợ xấu là “cục máu đông” trong nền kinh tế, thì nay, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, cục máu đông này đã được xử lý tốt hơn. Cụ thể: nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức trên 10% (vào thời điểm cuối năm 2016), đến nay xuống còn khoảng 2,02%.
Làm rõ hơn về kết quả xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 3/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,02%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ấn trở thành nợ xấu của hệ thông các TCTD cũng đã giảm mạnh từ mức 10,8% vào cuối năm 2016, xuống còn 5,88% vào thời điểm cuối tháng 3/2019.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/08/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu nội bảng đạt 117,8 nghìn tỷ đồng.
Nợ xấu giảm nhanh, góp phần nâng cao “sức khỏe” cho các TCTD. Thực tế, đến nay đã có một số TCTD mua lại nợ xấu bán cho VAMC để tự xử lý. Cụ thể, theo thông tin từ VAMC, hiện đã có 05 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC, gồm: Vietcombank, MBBank, Techcombank, OCB và VIB. Ngoài ra, còn có một số ngân hàng có ý định tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt của VAMC trong năm 2019 như: VPBank, TPbank, KienlongBank, . .
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Khó khăn đầu tiên được nhắc đến đó là thị trường mua, bán nợ còn chưa phát triển. Quá trình xác định giá trị của khoản nợ làm căn cứ để bên mua, bán nợ tham khảo còn khó khăn khi việc thẩm định giá khoản nợ đang được các TCTD thực hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất, khác biệt về phương pháp, tiêu chí đánh giá giữa các tổ chức khác nhau. Qua tìm hiểu, nhiều đại diện ngân hàng cho biết, kể cả sau khi có Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành và có hiệu lực, vướng mắc lớn nhất trong qúa trình xử lý nợ xấu vẫn là thu giữ tài sản. Theo đó, nếu bên giữ tài sản bảo đảm không thiện chí thì ngân hàng không thể nào thu giữ được vì không có chế tài và biện pháp cuối cùng của các TCTD là phải khởi kiện, thi hành án và như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí để thu hồi nợ. Bên cạnh đó, một lượng lớn nợ xấu gắn với các đại án, các vụ việc, các dự án bị thua lỗ hoặc phá sản vẫn chưa được xử lý. Quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các khoản nợ này cần phối hợp với nhiều cơ quan, các cấp chức năng và mất rất nhiều thời gian.
Để chung tay tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, sau khi có Nghị quyết 42, Chỉ thị số 06/CT-NHNN và Kế hoạch hành động của toàn ngành ngân hàng về xử lý nợ xấu, Agribank đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, quyết liệt như: Tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường; Mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến 15/8/2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực; miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm mọi nguồn thu trả nợ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Với mục tiêu được Agribank quán triệt ngay từ đầu đó là gắn việc xử lý nợ xấu với hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vì vậy, trong các phương án xử lý nợ của Agribank có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, Agribank đã chủ động phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ban ngành và các địa phương, cùng với sự sự quyết tâm của Agribank, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Kết thúc năm 2018, nợ xấu nội bảng về mức 1,51%, thu hồi được gần 12 nghìn tỷ đồng nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý. Những con số trên đã tạo ra sự bút phá ngoạn mục về lợi nhuận năm 2018 của Agribank đạt trên 7.525 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với gần 26 nghìn tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Agribank tự tin đủ khả năng mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019. Lũy kế đến 31/3/2019, Agribank thu hồi và tự xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đạt trên 93.000 tỷ đồng, bao gồm: thu nợ gốc đã bán cho VAMC; thu nợ gốc đã xử lý rủi ro; thu và xử lý nợ xấu nội bảng; thu và xử lý nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780, Thông tư 09 và Nghị định 55.
Với kỳ vọng triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu quả hơn nữa, Agribank mong muốn tiếp tục nhận được sự sẻ chia, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các Bộ, ban, ngành và các địa phương để sớm được giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản như: thu giữ tài sản; áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án; xử lý TSBĐ là dự án bất động sản; nghĩa vụ nộp thuế (thuế thu nhập cá nhân, các khoản nợ thuế, phí nợ khác liên quan đến TSBĐ); mua bán nợ theo giá thị trường,… qua đó, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn, đảm bảo theo yêu cầu của Quyết định 1058.
Minh Trung