Ngày 28/8, Ủy ban Công nghiệp thuộc Nội các Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì đã phê duyệt 12 đề án mới theo Chương trình Hành lang Công nghiệp Quốc gia. Các thành phố công nghiệp thông minh này sẽ có tổng giá trị đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.
Mục tiêu lớn nhất của kế hoạch này là chuyển đổi diện mạo công nghiệp của Ấn Độ, tạo ra một mạng lưới năng động gồm các điểm nút và thành phố công nghiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh toàn cầu. Dự án lớn nhiều tham vọng này trải dài trên 10 bang trên khắp cả nước, và được quy hoạch chiến lược dọc theo 6 hành lang chính. Mục tiêu của dự án là giúp nâng cao năng lực sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Các nút công nghiệp này sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để Ấn Độ đạt được mục tiêu 2.000 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, phản ánh tầm nhìn Ấn Độ Tự cường và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Các thành phố công nghiệp mới sẽ được phát triển thành các thành phố thông minh theo tiêu chuẩn toàn cầu, được xây dựng dựa trên các định hướng như “đi trước nhu cầu”, “kết nối và vận hành”, “đi bộ đến nơi làm việc”.
Phù hợp với Kế hoạch tổng thể quốc gia Gati Shakti, các dự án này sẽ có cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức, đảm bảo sự di chuyển liền mạch của con người, hàng hóa và dịch vụ. Các thành phố công nghiệp được định hướng là trung tâm tăng trưởng để chuyển đổi toàn bộ khu vực.
Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng, các thành phố thông minh có thể tạo ra cơ hội việc làm đáng kể, với ước tính 1 triệu việc làm trực tiếp và tối đa 3 triệu việc làm gián tiếp, thông qua quá trình công nghiệp hóa.
PV/VOV.vn