"Đang tìm hướng giải quyết sự việc"...

Liên quan đến việc người tiêu dùng phản ánh ăn phải bánh Choco – Pie, do Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina sản xuất bị mốc (http://thuonghieucongluan.com.vn/ctythuc-pham-orion-vina-banh-choco-pie-con-han-su-dung-bi-moc-co-the-do-bi-con-trung-can-a59800.html), khiến khách hàng bị đau bụng và nôn liên tục trong ngày hôm đó, PV đã có cuộc tìm hiểu sâu hơn.

Theo thông tin từ khách hàng có tài khoản facebook Le ThanhSon trao đổi với báo chí: Ngày 9/8, anh L.M.S (ở Mê Linh, Hà Nội) cho biết đã mua hộp bánh Choco-Pie (Choco-Pie dark - hộp 12 cái) tại một cửa hàng tạp hoá gần nhà để sử dụng. Do đang đói, anh S đã ăn vội cùng lúc 2 chiếc bánh. Tuy nhiên, bóc đến chiếc bánh thứ ba thì anh S vô cùng bất ngờ, khi thấy trên thân bánh có vùng màu lạ, giống như nấm mốc đang phát triển.

Ăn phải bánh mốc có nguy cơ gây ung thư - Hình 1

Phần nghi nấm mốc trên chiếc bánh Choco Pie, do Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina sản xuất

“Sau khi ăn bánh thì cả ngày hôm đó, tôi bị đau bụng âm ỷ và nôn liên tục. Nhìn bằng mắt thường, bánh có mảng màu ghi sáng, to như đầu ngón tay. Tôi cho rằng đó là vùng nấm mốc đang trong quá trình phát triển và lan rộng, ngay sau khi bị đau bụng, tôi đã liên hệ đến Công ty Orion”, anh S cho hay.

Anh S. đã khiếu nại sự đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đến ngày 15/8, Cục An toàn thực phẩm xác nhận lại là đã tiếp nhận thông tin.

Ăn phải bánh mốc có nguy cơ gây ung thư - Hình 2

Thông tin hạn sử dụng đến ngày 6/5/2019 trên thân vỏ chiếc bánh nghi bị nấm mốc

Ngày 15/8, khi PV có cuộc trao đổi với đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, bà Nguyễn Thị Tường Vy – Quản lý nhãn hàng Choco Pie, bà Vy cho biết, phía đại diện công ty đã nhận được phản ánh của khách hàng, đang tìm hướng giải quyết sự việc và chưa có kết quả chính thức cho sự việc trên.

Nấm mốc có thể gây bệnh ung thư

Để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn những nguy hiểm khi ăn phải bánh ngọt bị nấm mốc, PV đã có cuộc trao đổi với ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia).

Theo ThS. BS. Tiến: “Nói đến ngộ độc thức ăn, người ta thường chỉ nghĩ đến các chất độc có trong thực phẩm và vai trò của các vi khuẩn gây bệnh, ít đề cập đến các nấm mốc và độc tố của chúng. Sự thực, các bệnh do độc tố nấm gây ra không nhỏ. Khoa học đã chứng minh, nếu chúng ta ăn phải những thức ăn nhiễm nấm mốc cũng có thể mắc bệnh nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra ở dạng ngộ độc cấp tính, nhưng phần lớn là ngộ độc mạn tính do cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ nấm mốc và độc tố nấm.

Người ta ước tính, có khoảng 40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố, tuy khác nhau nhưng ít nhiều đều gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các độc tố nấm đều độc, mức độ độc của chúng cũng khác nhau, vì vậy khi xâm nhập vào cơ thể, chúng gây bệnh không giống nhau. Với những loại độc ít hoặc một liều lượng nhỏ, độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiểu chảy, choáng váng… Nhưng độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh nguy hiểm như ung thư gan do aflatoxin, suy thận do ochratoxin, ung thư buồng trứng do fumonisins…”.

ThS. BS. Tiến khẳng định: “Các loại bánh ngọt được sản xuất từ nhiều nguyên liệu khác nhau (bột, đường, bơ, sữa, trứng…). Sau khi được chế biến thành sản phẩm, những thức ăn này đều đã được tiệt khuẩn, có thể sử dụng được, nhưng nếu để lâu, bảo quản kém, sẽ dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc.

Nấm mốc thường gặp trong môi trường tự nhiên, nhất là ở điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta. Nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm, một số loại nấm mốc còn sản sinh ra độc tố nguy hiểm. Một trong các độc tố vi nấm nguy hiểm là Alfatoxin do nấm Aspergillus flavus và Aspergllus parasiticus, sản sinh ra trong ngô, đậu và lạc, có thể gây ung thư”.

Bác sỹ Tiến cũng khuyến cáo thêm: Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc, thì nhất thiết phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu… để gửi đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc.

Xử trí cấp cứu trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, phá hủy độc tính, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Nếu có bất cứ thông tin về hàng giả, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua địa chỉ: Ban 389 - Báo Thương hiệu & Công luận. Tòa Soạn: số 12 - Tập thể Bộ Tư pháp, P. Quan Hoa - Q.Cầu Giấy -Hà Nội. Hotline: 0973.269.389 Email: chuyendong389.thcl@gmail.com

 Hoàng An