Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về VSATTP được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức. Nhờ đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chuyển biến tích cực. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang- thiết bị, dụng cụ, mua sắm nguyên liệu và thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ... Thị trường thực phẩm trong tỉnh cũng được quan tâm nhiều hơn, bước đầu hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn như các vùng trồng rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, trồng nấm sạch, chăn nuôi an toàn… Bên cạnh đó, một số cơ sở đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP hoặc theo TCVN ISO 22000 như: Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà, Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ, Công ty MASECO tại Gia Lai...
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được phối hợp và thực hiện nghiêm. Công tác giải quyết thủ tục hành chính được các cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP tuyến tỉnh giải quyết đúng trình tự, thủ tục và kịp thời cho các tổ chức, công dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát huy vai trò phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức tuyên truyền, vận động và trong phối hợp liên ngành giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Từ đầu năm đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi cục đã tiếp nhận 386 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm (377 hồ sơ tiếp nhận mới, 9 hồ sơ năm 2017 chuyển qua). Trong số này, có 380 hồ sơ được giải quyết và trả đúng hạn, 6 hồ sơ trả trước hạn. Riêng trong năm 2017, ngoài 9 hồ sơ chưa đến hạn chuyển sang năm 2018, tất cả 1.246 hồ sơ tiếp nhận đều được giải quyết và trả đúng hạn. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm nay, không có đơn thư khiếu nại nào của tổ chức và cá nhân liên quan đến công tác giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị.
Nhằm giải quyết thủ tục hành chính đúng trình tự, quy trình, thời gian, Chi cục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý như: xây dựng phần mềm quản lý văn bản, lưu trữ hồ sơ nhằm nâng cao hiệu quả công tác, giảm thời gian lao động; triển khai website thông tin về công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng như các thủ tục hành chính để người dân dễ truy cập nắm bắt.
Niêm phong sản phẩm của cơ sở vi phạm
Kết quả đáng ghi nhận là tình hình ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm dần theo các năm cả về số vụ, số người mắc và số người tử vong. Trong giai đoạn 2008-2012, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 46 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.184 người mắc, 12 người tử vong (trong đó, có 9 ca tử vong do uống rượu trắng có chứa hàm lượng methanol vượt quá giới hạn cho phép); giai đoạn từ 2013 đến tháng 6/2018, chỉ ghi nhận 22 vụ ngộ độc thực phẩm với 661 người mắc, 3 người tử vong.
Thống kê 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập 395 đoàn thanh tra, kiểm tra ATVSTP các cấp, kiểm tra 4.730 lượt cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 223 cơ sở với tổng số tiền 270 triệu đồng. Công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân được triển khai thường xuyên, đúng thẩm quyền, quy trình và thủ tục. Triển khai mô hình điểm bếp ăn tập thể tại 105 trường học nội trú và bán trú;, mô hình điểm 50 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn...
Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Từ nay đến cuối năm, Chi cục ATVSTP tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao hiểu biết của nhân dân về ATVSTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Triển khai các lớp đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm. Chi cục cũng sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát huy vai trò vận động và thực hiện giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống lưu động, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn.
Chi cục cũng đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân. Liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân có thể liên hệ Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, địa chỉ: 09 Duy Tân, phường Diên Hồng, TP. Pleiku hoặc số điện thoại: (0269) 3827349 để được hướng dẫn cụ thể.
Kim Yến