Tại buổi làm việc, ông Đàm Thanh Thế đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật đến các cơ sở kinh doanh và người dân không sử dụng và không tiếp tay cho người buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và các biện pháp phòng ngừa về chống vận chuyển kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tốt với các cơ quan liên ngành trên địa bàn tỉnh, liên kết với các địa phương trong vùng và các cơ quan chức năng Trung ương để thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đại diện Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đại tá Phùng Văn Hoài (Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm) cho biết, trên địa bàn hiện có 46 doanh nghiệp (DN)/81 phương tiện kinh doanh vận chuyển xăng dầu. Trong đó có năm DN đầu mối; 50 cửa hàng bán lẻ, bảy tàu dịch vụ cung ứng dầu. Có các kho chứa dầu của Công ty Hải Linh, Hà Lộc, PV OIL, Petrolimex, Thanh Châu Phát và Đông Hải. Về tàu đánh bắt thủy sản, hiện có 6.372 tàu cá; 41 tàu đóng theo NĐ 67/2014/NĐ-CP.

Thời gian qua tình hình mua bán, vận chuyển, sang mạn xăng dầu trái phép trên biển có nhiều diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ yếu như sau:

Cải hoán trái phép tàu cá có công suất lớn để phục vụ việc mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển. Thường xuyên thay đổi tên, số phương tiện hoặc xóa tên, xóa số phương tiện, thậm chí sử dụng biển số giả của nước ngoài để hoạt động.

Lợi dụng các tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được đóng mới theo NĐ 67/2014-CP để mua bán xăng dầu không rõ nguồn gốc trên biển, sau đó bán lại cho các tàu đang hoạt động; hoặc không xuất hóa đơn nhằm trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Một số tàu dịch vụ dầu khí, tàu vận tải biển trên địa bàn trong quá trình hoạt động có dôi dư dầu máy đã bán lại cho các tàu cá, không có hóa đơn, chứng từ.

Ngư dân mua dầu trong bờ hợp pháp với số lượng vừa phải để giảm chi phí. Sau đó ra khơi dài ngày lại mua xăng dầu trái phép từ các tàu nước ngoài, tàu Việt Nam. Khi bị kiểm tra sẽ xuất hóa đơn ban đầu để hợp thức hóa…

Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí, mua sắm trang thiết bị, mở các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác kiểm tra, lấy mẫu cho lực lượng Quản lý thị trường để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng, dầu và khí để điều chỉnh những bất cập và phù hợp với tình hình mới; xem xét sửa đổi, tăng mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nhãn hàng hóa, đảm bảo sức răn đe…

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong 7 tháng đầu năm 2018, các sở, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đấu tranh, phối hợp hoạt động có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ 1.532 vụ việc vi phạm (số vụ/đối tượng chuyển xử lý hình sự 232 vụ/269 đối tượng) với 1.699 đối tượng. Số tiền xử lý hành chính gồm xử phạt, truy thu đạt gần 206 tỷ đồng.

Trong đó, các lực lượng chức năng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đối tượng, phương tiện vận chuyển và các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Tổng số vụ các đơn vị phát hiện được 23 vụ, tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 7,4 tỷ đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu thuộc các lĩnh vực: vận chuyển dầu DO không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật...   

Hải Minh