THCL Nhiều bài học về tự giác chấp hành luật giao thông nói chung và quy định đèn tín hiệu nói riêng từ các quốc gia đáng để người Việt Nam học tập.

An toàn giao thông: Kinh nghiệm từ quốc tế - Hình 1

Tại Hồng Kông - một quốc gia có diện tích đất rất chật hẹp và lượng phương tiện cũng khá đông đúc, nhưng người tham gia giao thông luôn tự giác chấp hành luật giao thông nói chung và quy định đèn tín hiệu nói riêng. Mặc dù, không có Cảnh sát giao thông trên đường nhưng rất hiếm khi các phương tiện vượt đèn đỏ.

Đánh giá về ý thức tham gia giao thông của người dân Hồng Kông- anh Nguyễn Văn Hùng - một người dân đã có 3 năm sinh sống và làm việc tại Hồng Kông chia sẻ:Trong thời gian sinh sống tại Hồng Kông tôi thấy rằng ý thức chấp hành đèn tín hiệu của người dân Hồng Kông là rất tốt. Đặc biệt, ngoài giờ cao điểm ra, vào sáng sớm hay đêm khuya. tuyệt nhiên không có phương tiện nào vi phạm về vấn đề đèn tín hiệu.

Các phương tiện đều chấp hành một cách rất nghiêm túc. Trong thời gian sinh sống tôi chưa thấy có trường hợp nào vượt đèn đỏ ở khu vực dân cư nơi tôi sinh sống.Tôi thấy rằng mức phạt của họ cũng rất là nghiêm ngặt. Người tham gia giao thông mà vượt đèn đỏ thì có những lỗi có thể bị phạt lên đến 20 nghìn đô la Hồng Kông, tương đương với khoảng 60 triệu tiền Việt và việc thi lại bằng lái xe ô tô hết sức khó khăn và lệ phi các cuộc thi đó tương đối cao.

Còn tại Úc, người dân cũng rất tuân thủ việc chấp hành đèn tín hiệu khi tham gia giao thông. Những trường hợp vi phạm lỗi này chủ yếu là do người điều khiển phương tiện đã vi phạm một quy định khác trước đó.

Anh Lê Văn Duy - Việt kiều Úc cho biết: Ở bên Úc, người dân khi tham gia giao thông trên đường, người ta nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông. Các trường hợp vượt đèn xanh đèn đỏ hầu như không có. Ở bên này có mấy trường hợp họ thường vượt đèn xanh đèn đỏ. Thứ nhất là những xe bị cảnh sát truy đuổi do phạm luật từ trước, cố tình chạy. Thứ hai là những người có nồng độ rượu trong cơ thể người. Thứ ba là những xe bị báo là mất trộm. Theo luật hiện hành một người tham gia giao thông mà vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt 240 đô la Úc và bị trừ trên bằng lái 3 điểm

Tại Úc và Hồng Kông, hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh và rất nghiêm ngặt. Việc quản lý phương tiện, phân luồng giao thông và xử lý vi phạm thông qua hệ thống giao thông thông minh. Tại các nút giao thông ở 2 quốc gia này, đều được trang bị hệ thống camera giám sát, ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm luật giao thông. Hình ảnh phương tiện vi phạm và vé phạt sẽ được gửi đến cho chủ phương tiện và việc xử lý vi phạm hoàn toàn bằng hệ thống tự động nên người vi phạm không thể xin hoặc hối lộ được các cơ quan chức năng.

Khi vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, người điều khiển phương tiện không chỉ bị phạt tiền mà còn bị trừ 5 điểm trên bằng lái xe tại Hồng Kông và 3 điểm tại Úc. Nếu vi phạm 3 lần vượt đèn đỏ, người lái xe sẽ bị tước bằng lái trong 3 tháng và lần phạt tiếp theo sẽ bị tước bằng lái trong vòng 6 tháng, thậm chí tịch thu bằng lái xe. Trong khi đó việc thi lại bằng lái xe tại những quốc gia này rất khó và tốn kém.

Có thể thấy, người dân tại 2 quốc gia trên đã luôn luôn tuân thủ các quy định về an toàn giao thông một cách rất tự nhiên và tự giác. Ngoài những yếu tố về cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, hệ thống luật pháp minh bạch và nghiêm ngặt, người dân đã được giáo dục và đào tạo ý thức chấp hành pháp luật nói chung và luật giao thông nói riêng rất bài bản, nghiêm túc.

Công tác giáo dục tuyên truyền về các quy tắc tham gia giao thông được thực hiện ngay trong nhà trường và mỗi gia đình từ khi còn rất nhỏ. Người dân tuân thủ đèn tín hiệu khi tham gia giao thông như là một điều tất yếu, bởi họ nhận thức rằng hành động này không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn thể hiện ý thức tham giao thông một cách có văn hóa.

Đối với nhiều người, hành vi vượt đèn đỏ đơn giản chỉ là để thỏa mãn cái tôi, muốn hơn người khác nhưng đôi khi, chỉ vì muốn nhanh một giây, nhiều người đã phải trả giá bằng cả tương lai, tính mạng của mình. Để hạn chế những vụ tai nạn thương tâm và những mất mất, đau đớn do tai nạn giao thông mang lại, bản thân mỗi người tham gia giao thông cần nghiêm túc chấp hành các quy tắc về an toàn giao thông, đặc biệt là không vượt đèn đỏ.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý giao thông cần xem xét, nâng cao các chế tài xử phạt, lực lượng cảnh sát giao thông cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và minh bạch các hình thức xử lý đối với hành vi không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông. Song song vơi đó, cần nâng cao công tác giáo dục tuyên truyền cũng nên được tiếp tục đẩy tại các cơ quan, trường học, giúp xây dựng và hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.

Danh Linh