THCL Từ đầu năm tới nay, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người phải nhập viện. Thực trạng này khiến người tiêu dùng hoang mang về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

An toàn vệ sinh thực phẩm -  Một vấn đề luôn nóng

Hàng loạt vụ ngộ độc

Điển hình, có những vụ khiến hàng trăm người phải nhập viện, cấp cứu. Vụ ngộ độc thực phẩm ngày 26/3/2015, xảy ra tại bếp ăn tập thể, Công ty TNHH CY Vina (Khu công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh) khiến 229 người mắc. Nguyên nhân gây ngộ độc là do bếp ăn tập thể không bảo đảm vệ sinh theo quy định (thức ăn chế biến xong đến lúc ăn khoảng 6 giờ, công năng của bếp ăn thấp hơn yêu cầu phục vụ nhiều lần; điều kiện vệ sinh cơ sở và vệ sinh dụng cụ chế biến thức ăn không bảo đảm…).

Trước đó, đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm khác trong các bếp ăn tập thể. Cụ thể, ngày 08/01/2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Namsung Vina (Khu công nghiệp Diễn Hồng, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) khiến nhiều công nhân phải nhập viện.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/2/2015, đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty Wooyang Vina II (số 579/1 Lê Văn Khương, quận 12) và 80 công nhân phải nhập viện.

Ngay cả trong các trường học, nơi mà công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho con em mình được các bậc phụ huynh đặt lên hàng đầu - cũng không tránh khỏi bị ngộ độc. Ngày 3/3/2015, đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (số 183 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3) làm 65 học sinh ngộ độc và 04 trường hợp phải nhập viện.

Sau hàng loạt vụ việc xảy ra, dư luận đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chưa bao giờ hết nóng

Thời gian qua, tình trạng nhiều doanh nghiệp “gom” rau ở chợ đầu mối, rau không rõ nguồn gốc rồi đưa vào hệ thống siêu thị bị phanh phui khiến người tiêu dùng lo lắng không biết mua ở đâu để bảo đảm an toàn?

Theo như tìm hiểu, để doanh nghiệp có thể đưa rau vào siêu thị, chỉ cần giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất, giấy bảo đảm an toàn trong sơ chế rau. Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thì, cơ quan nhà nước chỉ thanh kiểm tra về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chứ không chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm do doanh nghiệp sản xuất.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ chia sẻ: “Ở nước ngoài, một trang trại có hàng nghìn con bò, hàng nghìn đầu lợn, hàng nghìn ha rau; trong khi ở Việt Nam, hàng nghìn hộ nông dân mới có một ha rau. Việc quản lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn, việc áp dụng các tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn thực phẩm GMP, HACCP, VietGAP còn nhiều hạn chế”.

“Do tình hình sản xuất, kinh doanh chuyển từ cơ chế nhỏ lẻ, manh mún sang cơ chế sản xuất hàng hóa, việc kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chuyển giao là vấn đề rất lớn. Do vậy, chúng ta cần giai đoạn thích nghi, đầu tư trang thiết bị, nguồn lực con người, hệ thống pháp luật ngày càng tăng tiến hơn để thực sự giải quyết được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm” ông Cường nhấn mạnh.

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, các lực lượng chức năng vẫn chỉ “giơ cao đánh khẽ” nên chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm? Trước những nghi vấn, thắc mắc này của người dân, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục QLTT cho biết: “Dư luận thắc mắc là đúng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra xử lý, phải căn cứ vào pháp luật, nhiều vụ việc khi căn cứ vào văn bản pháp luật không thể xử phạt được…”.

Như vậy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ nóng, mà còn khó có thể giải quyết được qua 1 tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm hay 1 năm, mà cần trường kỳ - liên tục - không ngừng nghỉ. Do đó, công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm cần được chú trọng hơn nữa. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất; các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.

Phan Chinh (Thương hiệu & Công luận)