Khó khăn bủa vây

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 trên địa bàn Vĩnh Phúc và cả nước vào cuối tháng tư, đầu tháng năm đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch và sản xuất công nghiệp.

Đối với sản xuất công nghiệp, ngành kinh tế đóng góp khoảng 65% giá trị trong cơ cấu kinh tế của Vĩnh Phúc, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất kinh doanh do nguồn cung nguyên liệu, phụ tùng, máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài bị gián đoạn.

Hoạt động thu hút đầu tư gặp khó khăn, nhiều dự án lớn chưa thể triển khai. Sức mua của nền kinh tế giảm. Các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội để phòng chống dịch khiến hoạt khiến hoạt động giao thương bị hạn chế, nhiều hợp đồng, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị giãn, hoãn hoặc hủy bỏ.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho công nhân Công ty TNHH Toàn Hưng, Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho công nhân Công ty TNHH Toàn Hưng, Khu công nghiệp Khai Quang, TP. Vĩnh Yên

Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động trình độ cao, chuyên gia do việc hạn chế nhập cảnh với người nước ngoài vào Việt Nam và một lượng lớn người lao động trong và ngoài tỉnh phải thực hiện giãn cách, cách ly y tế.

Chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng cao do cước vận chuyển, lưu kho bãi đều tăng cùng các khoản chi phát sinh cho các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào các doanh nghiệp gây đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh luôn thường trực. Nếu không quyết liệt phòng ngừa, bảo vệ sản xuất khi đó thiệt hại cho doanh nghiệp, người lao động và cho toàn tỉnh là không thể đong đếm.

Thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã nhiều lần chỉ đạo trong các hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phải bằng mọi biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, an toàn của doanh nghiệp và sự phát triển sản xuất kinh doanh.

Sức khỏe của người dân, người lao động phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động…

Bảo vệ an toàn sản xuất

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước nhất, đồng thời phải bảo vệ an toàn sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế tạo nguồn lực bền vững cho phòng chống dịch và chăm lo đời sống nhân dân, Vĩnh Phúc đã ngay lập tức kích hoạt các phương án và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt để chống dịch.

Nhờ đó dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đã được khống chế thành công. Toàn tỉnh đã hơn 50 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng; gần 40 ngày liên tiếp không ghi nhận trường hợp dương tính mới với vi rút Sars-Cov-2.

Trong phát triển kinh tế, để bảo vệ an toàn sản xuất, chặn đứng các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và ngành y tế phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp rà soát, đánh giá các nguy cơ lây nhiễm và xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh theo từng cấp độ.

Sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty TNHH Youngbag Micromotor Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên
Sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty TNHH Youngbag Micromotor Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên

Tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về phòng chống dịch bệnh của tỉnh Trung ương, của tỉnh; các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: Nguyên tắc 5K + Vắc xin của Bộ Y tế; thông điệp 5K + 5T của Ban Chỉ đạo tỉnh; đo thân nhiệt; rửa tay sát khuẩn; giữ khoảng cách; kiểm soát người ra vào; phân luồng đi lại trong nội bộ doanh nghiệp…

Yêu cầu 100% doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho toàn bộ công nhân để đánh giá mức độ an toàn của từng doanh nghiệp. Việc xét nghiệm được thực hiện gộp mẫu để giảm tối đa chi phí cho các doanh nghiệp và tổ chức triển khai trong thời gian nhanh nhất.

Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 100% công nhân ngoại tỉnh được yêu cầu ở lại tỉnh Vĩnh Phúc làm việc trong thời gian có dịch, tỉnh hỗ trợ chỗ ở hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ xe đưa đón đến nơi làm việc.

Các chuyên gia, người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp cũng được yêu cầu ở lại tỉnh, không đi về các tỉnh khác, tỉnh hỗ trợ lưu trú tại các khách sạn trong thời gian ở lại Vĩnh Phúc làm việc. Ưu tiên phân bổ, tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không tuân thủ hoặc tuân thủ không nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

Cùng với kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào doanh nghiệp, khu - cụm công nghiệp, để đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh, Vĩnh Phúc đã đạo triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, phù hợp với tình hình của địa phương những cơ chế, chính sách của Trung ương về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh.

Thành lập tổ công tác trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh 24/24h tiếp nhận các thông tin, phản ánh, đề nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp.

Rà soát, xem xét biện pháp hỗ trợ một số chi phí cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Phun khử khuẩn, tiền xe bus, tiền thuê trọ cho công nhân, tiền điện, tiền nước,…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp thông qua hình thức trực tuyến. Chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh thành phố lân cận để tạo thuận lợi cho lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đổi mới, đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư.

Thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh tại các địa phương lân cận, công tác kiểm soát dịch bệnh của tỉnh, từ đó kịp thời điều chỉnh các điều kiện về di chuyển cho các chuyên gia, người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động để ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh. Xây dựng triển khai kế hoạch thích ứng an toàn với dịch bệnh, chuẩn bị các phương án, giải pháp cụ thể để bước vào trạng thái bình thường mới...

Nhờ vậy, trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh kinh tế Vĩnh Phúc vẫn đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng, với con số hơn 14% trong 6 tháng đầu năm, cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ ba cả nước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 tăng trên 15% so với cùng kỳ. 8/10 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng khá, trong đó tăng cao nhất là xe ô tô các loại, tăng trên 28%.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là hơn 1.000 doanh nghiệp. Thu hút đầu tư đạt kết quả ngoạn mục với 48 dự án FDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, tổng số vốn gần 900 triệu USD, tăng gần 196%; 24 dự án DDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, tổng số vốn trên 11,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách nhà nước đạt gần 22 nghìn tỷ đồng, tăng gần 31%; trong đó, thu nội địa đạt trên 18,3 nghìn tỷ đồng, tăng trên 29,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định các doanh nghiệp đồng thuận, tin tưởng, yên tâm vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cũng như các biện pháp bảo vệ, đồng hành cùng doanh nghiệp được tỉnh triển khai trong thời gian qua.

Ấn tượng trước một "vùng xanh" bền vững giữa tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp trên cả nước, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (Tập đoàn Sumitomo) Hyroyoshi Masuoka chia sẻ: 

"Nhiều khu công nghiệp của Tập đoàn Sumitomo tại các quốc gia khác như Ấn Độ; Myanmar; Philippines; Bangladesh… đang trong tình trạng khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Tại Vĩnh Phúc, khu công nghiệp của chúng tôi vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định. Đây là một điều hết sức đặc biệt, tạo niềm tin và động lực rất lớn cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này!”.

 Nguyễn Khánh