
Động thái xin từ nhiệm của bà Trần Thị CẩmChâm diễn ra chỉ một ngày sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) ra quyết định về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu AGM, hiệu lực từ ngày 09/05 tới đây. Bà Trần Thị Cẩm Châm bắt đầu làm việc tại Angimex từ năm 2007 và chính thức đảm nhiệm vị trí Kế toán trưởng từ tháng 6/2017 cho đến nay. Đồng thời, Bà Châm cũng từng giữ chức vụ Giám đốc tài chính của Công ty trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2023.
Nguyên nhân dẫn đến việc hủy niêm yết được HOSE chỉ rõ là do Angimex ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2022-2024), tổng số lỗ lũy kế của Angimex đã vượt quá số vốn điều lệ thực góp, đồng thời vốn chủ sở hữu trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 bị âm.
Kịch bản cổ phiếu AGM bị hủy niêm yết đã được dự báo từ trước, đặc biệt sau khi Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 được công bố. Theo báo cáo này, Angimex ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục gần 260 tỷ đồng, tăng 3% so với mức lỗ 251 tỷ đồng trên báo cáo tự lập trước đó. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp (2022, 2023, 2024) doanh nghiệp này báo lỗ.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch số liệu sau kiểm toán và khoản lỗ nặng nề trong năm 2024 được chỉ ra bao gồm việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tăng lên, chênh lệch giá vốn hàng bán và sự thay đổi số liệu tài chính từ các công ty con, công ty liên kết sau khi kiểm toán.
Đồng thời, đơn vị kiểm toán còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh về nhiều vấn đề trên Báo cáo tài chính năm 2024 của Angimex, liên quan đến các khoản phải thu khó đòi và các giao dịch trọng yếu với bên liên quan.
Được biết, tính đến ngày 31/12/2024, Angimex đang gánh khoản lỗ lũy kế lên tới 426 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 244 tỷ đồng. Đáng báo động hơn, nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn tới 1.072 tỷ đồng. Từ những cơ sở này, kiểm toán viên đã đưa ra kết luận về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Angimex.
Về phía Angimex cho biết, đã có giải trình cho biết đã tiến hành thanh lý một số tài sản và thoái vốn đầu tư tại các công ty con. Đồng thời, Angimex cũng đang xây dựng kế hoạch huy động vốn từ nhà đầu tư và xử lý các khoản nợ trái phiếu. Dựa trên các kế hoạch này, Ban lãnh đạo Angimex cho rằng Công ty dự kiến có thể hoàn trả các khoản nợ phải trả và tiếp tục hoạt động trong tương lai.
Thuận Yến (t/h)