Tiên phong xây dựng cánh đồng mẫu lớn
Sau khi địa phương có chủ trương thực hiện “dồn điền đổi thửa”, năm 2012, anh Trịnh Văn Diện đã mạnh dạn đứng lên thuê lại 10 mẫu ruộng canh tác kém hiệu quả của người dân để xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thời điểm đó, gia đình anh chọn cây khoai tây để canh tác, trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ. Vụ sản xuất đầu tiên, gia đình anh đã thắng lớn, khoai tây cho năng suất cao, đẹp mã và giá bán ổn định.
Nhận thấy sản xuất nông nghiệp theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” mang lại hiệu quả cao, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp, anh Diện quyết định thuê thêm diện tích ruộng của những hộ gia đình không có nhu cầu sản xuất.
Đến năm 2015, gia đình anh sở hữu 20 mẫu ruộng, vừa canh tác khoai tây, vừa sản xuất lúa thương phẩm. Để giảm chi phí, sức lao động, tăng năng suất, chất lượng, anh Diện chủ động vay mượn tiền của người thân, mua máy móc, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Anh Diện kể: “Tôi bắt đầu thực hiện cánh đồng mẫu lớn với mô hình trồng khoai tây trên đất tối thiểu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, kỹ thuật…, nhưng tôi vẫn quyết tâm cố gắng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi đã trang bị được những kiến thức về quy trình, kỹ thuật sản xuất như kỹ thuật làm đất, kỹ thuật xử lý giống, kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp luôn đạt hiệu quả cao”.
Xác định việc tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, năm 2020, anh Diện tiếp tục thuê lại diện tích ruộng canh tác kém hiệu quả của người dân trong và ngoài xã để mở rộng thêm diện tích trồng lúa. Đến nay, tổng diện tích gia đình anh đang thuê của bà con nông dân lên đến 100 mẫu ruộng.
Anh Diện bảo, hằng năm, gia đình anh duy trì canh tác 10 ha khoai tây vụ Xuân và vụ Đông (90 ngày/vụ - PV), diện tích còn lại là trồng lúa. Đối với diện tích trồng khoai tây, sau khi thu hoạch xong, gia đình anh chuyển tiếp sang trồng lúa.
Áp dụng 100% cơ giới hóa vào sản xuất
Song song với việc mở rộng diện tích, anh Diện tích cực nghiên cứu, sản xuất, chế tạo thêm các loại máy móc để đưa vào sản xuất. Đến nay, với diện tích 100 mẫu ruộng, gia đình anh áp dụng 100% cơ giới hóa.
Dẫn chúng tôi chúng tôi tham quan ruộng lúa, ruộng khoai tây xanh mơn mởn, anh Diện giới thiệu về công dụng của từng loại máy móc đang trực chờ sẵn trên bờ. Anh chỉ tay rồi nói: “Đây là máy bừa, làm đất; kia là máy đào khoai tây; xa xa bên bờ là máy phun thuốc… Hiện tại, gia đình tôi có khoảng 10 loại máy để phục vụ sản xuất nông nghiệp”.
Anh Diện chia sẻ, trước đây, diện tích sản xuất nhiều, gia đình chưa đủ máy móc nên phải đi thuê, do đó tốn nhiều chi phí sản xuất. Sau nhiều lần bàn bạc với người thân, anh quyết định đầu tư máy móc và tìm tòi sáng tạo ra một số loại máy để phục vụ sản xuất.
Theo anh Diện, gia đình anh sẽ trực tiếp đứng vận hành các loại máy móc đó. Ngoài phục vụ cho gia đình, anh còn phục vụ cho bà con nông dân trên địa bàn xã khi họ có nhu cầu. Thậm chí, anh còn đưa máy gặt sang các tỉnh khác để phục vụ cho người dân, tăng thu nhập gia đình.
“Sản xuất cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa đem lại hiệu quả cao; giúp gia đình giảm chi phí sản xuất, sức lao động, rút ngắn thời gian thu hoạch, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ tiếp theo. Với diện tích 100 mẫu, gia đình tôi gieo trồng hoặc thu hoạch chỉ vài ngày là xong hết”, anh Diện nói.
Qua tính toán của anh Diện, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, gia đình anh giảm được chi phí sản xuất từ 150.000 - 200.000 đồng/sào.
Hiện nay, toàn bộ đầu ra sản phẩm nông nghiệp đều được các công ty thu mua lại, nhờ đó gia đình anh không phải lo đầu ra. Cụ thể, khoai tây cung cứng cho Công ty Minh Dương, thóc giống cung ứng cho Công ty Cường Tân, thóc phương phẩm cung cứng cho Công ty Vật tư nông nghiệp Trực Ninh…
Anh Diện cho biết thêm, năm 2023 anh đã đứng lên thành lập HTX Nông nghiệp Minh Diện, với mục đích phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, khẳng định thương hiệu.
“Nhiều năm qua, sau khi trừ tất cả các loại chi phí, thu nhập bình quân của gia đình tôi dao động từ 450 - 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn tạo công ăn việc làm cho 15 - 20 lao động địa phương”, anh Diện thổ lộ.
Năm 2020, anh Trịnh Văn Diện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đây là động lực để anh cố gắng hơn nữa trong việc phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Văn Chiến