Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm 2019, Việt Nam tiếp tục đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với số lượng khoảng 450.000 tấn, thu về trên 3 tỷ USD. Do đó, lượng điều thô nhập khẩu lên đến gần 1,6 triệu tấn với kim ngạch nhập khẩu trên 2 tỷ USD. Vấn đề chất lượng hạt điều thô nhập khẩu đã và đang là yếu tố hết sức quan trọng quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm và uy tín của mỗi doanh nghiệp Việt Nam cũng như ngành điều Việt Nam trên thế giới.

Do đó, Vinacas đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và các ngành liên quan xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về hạt điều thô TCVN 12380-2018. Tiêu chuẩn này đã được thông qua từ giữa năm 2019. Vinacas đánh giá đây là bộ tiêu chuẩn có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá, phân loại chất lượng nguyên liệu điều thô nhập khẩu và xử lý tranh chấp.

Hiện hạt điều thô đang được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng điều nguyên liệu nhập khẩu như mức thu hồi, độ ẩm, số hạt/kg, lượng hạt lép, hạt sâu, tạp chất… và liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như mối nguy về sinh học như nhiễm mọt, nấm và sâu…

Do đó, để đảm bảo chất lượng, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của nguyên liệu đưa vào chế biến, Vinacas đã khuyến các hội viên và các doanh nghiệp khi đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng sử dụng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12380-2018 về hạt điều thô trong điều khoản chất lượng để ràng buộc các bên thực hiện và làm cơ sở pháp lý để các cơ quan giải quyết tranh chấp trong trường hợp có vi phạm.

Bên cạnh đó, khi đàm phán, ký kết hợp đồng mua điều thô, doanh nghiệp cần cố gắng bỏ hoặc giảm thấp khoản tiền đặt cọc để giảm chi phí và bớt rủi ro, tốt nhất là dùng phương thức thanh toán L/C.

Hằng Vương