Theo đó, quy định sửa đổi này sẽ được Cục Hàng không dự kiến áp đặt mức giá sàn đối với 5 nhóm đường bay nội địa và sẽ giao động từ 29 - 34% giá trần.
Tuy nhiên, ngay từ khi ban hành chờ lấy ý kiến, ngoài Vietnam Airline và Jestar Pacific có ý kiến ủng hộ, thì những quy định này đã vấp phải hàng loạt ý kiến cho rằng, việc áp giá sàn là lấy đi quyền lợi của doanh nghiệp và lấy đi lợi ích trực tiếp của người dân.
Poster đăng quảng cáo chương trình khuyến mãi giá rẻ của một hãng hàng không
Theo một chuyên gia kinh tế, việc áp dụng giá sàn không chỉ trong lĩnh vực hàng không, mà với bất cứ loại sản phẩm hàng hóa thương mại nào cũng là điều phi lý. Bởi theo thông lệ quốc tế thì chỉ áp giá trần để kiểm soát thị trường.
Còn giá sàn là mức bán giá thấp nhất, lại do chính đơn vị kinh doanh dựa vào cam kết lợi nhuận, vào kế hoạch kinh doanh của đơn vị mà đưa ra cho phù hợp. lợi nhuận kinh doanh của đơn vị lại phụ thuộc vào chi phí đầu vào. Như vậy, việc áp đặt giá sàn là trái với Luật Cạnh tranh, Luật Giá.
Đại diện hãng Vietjet cho hay, hiện nay trên thế giới, không có hãng hàng không nào áp dụng giá sàn, bởi làm giảm tính cạnh tranh. Đồng thời, với 90% dân số Việt Nam là đối tượng có thu nhập thấp. Việc áp dụng giá sàn sẽ “lấy” đi cơ hội của đối tượng này được hưởng lợi từ hệ thống giao thông hiện đại.
Đại diện hãng này cũng nêu, việc xây dựng giá sàn hiện nay sẽ khó tìm được sự đồng thuận giữa các hãng hàng không. Vì mỗi hãng có cách tính khác nhau: tính trên đơn vị ghế/km, tính trên hiệu quả chuyến bay, đường bay, loại tàu bay dẫn đến chi phí khai thác khác nhau, lợi nhuận tài khóa khác nhau. Đó là nguyên nhân dẫn đến mức giá sàn mà các hãng đưa ra cũng sẽ khác nhau.
Đồng thời, theo cách so sánh đơn giản của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thì: “Hiện nay, hệ thống giao thông đường sắt của các nước rất tốt, nhưng giá lại rất rẻ. Trong khi ở Việt Nam, hệ thống giao thông này giá cao hơn cả giá hàng không, nhưng dịch vụ lại thiếu hẳn tiện ích.
Và một thực tế, trước đây, khi chưa có các hãng hàng không giá rẻ tham gia thị trường, phương tiện vận chuyển hàng không chỉ dành cho những người có thu nhập cao. Vì vậy, đường sắt dù gọi là “thiếu tiện ích”, nhưng vẫn buộc người dân phải lựa chọn.
Hàng không giá rẻ, không chỉ phục vụ người dân trong nước, mà còn tạo năng lực cạnh tranh khi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng gia tăng
“Việc không áp giá sàn, không chỉ mang đến quyền lợi cho người dân được tiếp cận với loại hình vận tải cao cấp này, mà còn là động lực, chất xúc tác cho các loại hình vận tải khác như tàu đường sắt phải thay đổi cơ chế để cạnh tranh”, ông Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Trước thông tin tăng giá vé của các hãng giá rẻ, chị Nguyễn Cao Nguyên (quê Ninh Bình) cho biết, chị và chồng đều làm công nhân ở Bình Dương, thu nhập trừ sinh hoạt, thuê nhà, cũng chỉ đủ dư một ít gửi về cho gia đình.
“Mỗi khi các hãng có chương trình khuyến mãi, vợ chồng tôi đã “giăng” mua vé cho kế hoạch từ rất sớm. Vì thế, giúp gia đình tiết kiệm thêm được một khoảng chi phí. Giờ giá vé lên, vợ chồng tôi chắc sẽ chẳng bao giờ có đủ điều kiện để đi máy bay nữa”, chị Nguyên lo lắng.
Tuy chưa chính thức trả lời, nhưng đại diện Cục Hàng không Việt Nam – ông Lại Xuân Thanh cho hay, Cục đang xem xét và cân nhắc tính hiệu quả của những quy định này, cũng như quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và của Nhà nước, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng có nên áp dụng hay không.
"Ngành hàng không Việt Nam đang mở rộng và đa dạng hóa, thu hút và mời gọi nhiều hãng hàng không quốc tế cùng gia nhập. Vì vậy, chúng ta cần phải tuân thủ luật của sân chơi chung, không chi đối với các đường bay quốc tế, mà đường bay nội địa cũng phải nằm trong quy luật này", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, ông Nguyễn Văn Mỹ - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng: “Hàng không giá rẻ, không chỉ phục vụ người dân trong nước để thuận tiện và có điều kiện đi đến mọi miền đất nước; mà lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng tăng, chúng ta cần phải cầu thị và có những chính sách phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh”.
"Thiết nghĩ, Nhà nước chỉ nên quản lý, giám sát giá dịch vụ, để các hãng hàng không tự quyết định giá vé. Điều này, sẽ phản ánh trung thực tính chất của thị trường. Bởi giá cả dịch vụ là do quan hệ cung - cầu quyết định và quyền lựa chọn cuối cùng sẽ thuộc về hành khách", ông Mỹ nói.
Bảo Lan