THCL Chúng tôi tìm đến xóm nhỏ Trà Liên, xã Thường Nga (Can Lộc, Hà Tĩnh) tìm hiểu về hoàn cảnh của 3 chị em Phan Thị Hương Minh, Phan Thị Hồng và Phan Duy Đức mà thấy nghẹn lòng…
Giấy khen, giấy chứng nhận học sinh nghèo vượt khó của các em treo rất nhiều trong ngôi nhà dột nát
Nỗi bất hạnh đầy éo le
Được biết, 3 chị em sinh ra trong một gia đình có đầy đủ tình thương của cả cha lẫn mẹ. Những tưởng, gia đình các em cũng như bao gia đình khác, sẽ được lớn lên trong sự yêu thương che chở của cha mẹ và được đến trường như bao bạn nhỏ cùng trang lứa trong cái xóm nhỏ này. Thế nhưng, cuộc đời không ai biết trước được điều gì.
Cách đây 6 năm, cha các em và nhiều người trong làng, sau vụ mùa thì đi nơi khác kiếm việc làm có thêm đồng tiền rau mắm. May mắn ông được tuyển vào làm ở Công ty Thủy điện sông Đà ở Thừa Thiên Huế với mức thu nhập khá. Cứ nghĩ, từ đó cuộc sống của gia đình sẽ khấm khá hơn, các em sẽ được ăn học đầy đủ. Thế nhưng, khi có tiền con người ta lại sinh ra những tật xấu và dễ sa ngã. Mẹ các em, trước đây là một người phụ nữ tần tảo, vì chồng con, vậy nhưng từ khi chồng đi làm gửi tiền về thường xuyên, cộng với việc chồng đi làm ăn xa thiếu thốn tình cảm nên trở nên hư hỏng, chỉ biết trau chuốt cho bản thân mà không chăm lo cho các con.
Rồi một ngày nọ, mẹ các em bán đi con trâu cày, tài sản lớn nhất của gia đình, mang tiền đi theo người đàn ông khác vào Nam, bỏ lại 3 đứa con thơ. Khi đó, Minh là chị cả mới học lớp 8, đứa em út mới 6 tuổi đã níu kéo mẹ, xin mẹ đừng đi, nhưng người mẹ vẫn quyết dứt áo ra đi. Cha các em biết chuyện thì đau khổ, thường xuyên nghỉ làm và rượu chè suốt ngày rồi bị người ta đuổi việc.
Vợ bỏ đi theo trai, công việc không còn, gia đình rời vào hoàn cảnh khó khăn, nhìn 3 đứa con thơ dại đang tuổi ăn tuổi học, người cha lúc đầu cũng thương con, muốn lo cho các con ăn học đàng hoàng nên ai thuê gì ông cũng làm, từ phun thuốc thuê, đào lỗ trồng cây hay thậm chí là đi bửa củi cho những gia đình khá giả. Nhưng rồi một lần nữa, cũng vì thiếu thốn tình cảm, vì hoàn cảnh khó khăn đã đẩy gia đình vốn không nguyên vẹn ấy vào ngõ cụt. Người cha muốn buông xuôi, muốn vứt bỏ tất cả, rồi ông được mai mối và đi theo một người phụ nữ khác đã góa chồng ở huyện bên, về sống chung với người đó, bỏ lại 3 đứa con thơ…
Vượt khó - trở thành học sinh giỏi
Từ khi cha mẹ ly tán mỗi người một nơi, cả 3 chị em phải đùm bọc, che chở lẫn nhau. Đã 4 năm qua, 3 chị em sống trong ngôi nhà lụp xụp, những ngày nắng còn đỡ, mùa mưa lụt thì nước tràn vào lênh láng trong nhà, rồi mái nhà bị dột khắp nơi không có chỗ ngồi, đêm ngủ 3 chị em phải ôm nhau vào một góc giường cho khỏi lạnh.
Cũng may, các em sống trong xóm nhỏ nghèo, nhưng đầy ắp tình người, ai cũng thương cho hoàn cảnh của 3 chị em, dù nghèo nhưng lại rất chịu thương chịu khó. Vì thế, mọi người thường cho gạo, áo quần, sách vở của những anh chị học trước nhằm giúp các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Bước vào căn nhà lụp xụp, dột nát, tả tơi của 3 chị em, khi trước mắt chúng tôi treo rất nhiều giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, học sinh nghèo vượt khó. Điều đó khiến chúng tôi càng khâm phục nghị lực vươn lên của 3 chị em. Tài sản lớn nhất trong ngôi nhà chỉ có 2 chiếc xe đạp mini mà trước cha đi làm sắm cho 3 chị em đi học. Những giấy khen - là thứ thiêng liêng mà các em rất trân trọng.
Mặc dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhưng cả 3 chị em đều học rất giỏi. em Hương Minh (sinh năm 1998), là học sinh giỏi 12 năm liền và tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi của huyện, của tỉnh. Kỳ thi đại học vừa rồi, em đạt 24,5 điểm, đậu vào Đại học Luật (thuộc Đại học Huế). Đây là mơ ước cháy bỏng của em. Hai em sau là Hồng Và đức cũng không hề thua kém chị. Hồng năm nay lên lớp 9, là học sinh xuất sắc của trường. Em nhỏ nhất năm nay lên lớp 5, học rất giỏi và ngoan ngoãn...
Dù cả 3 chị em đều học rất giỏi, nhưng do hoàn cảnh khốn khó nên khi biết mình thi đậu đại học, Minh lại phải đứng giữa 2 quyết định khó khăn: Nếu đi học đại học thì 2 đứa em sau phải chịu thiệt thòi, các em còn nhỏ, ở nhà sẽ không ai chăm sóc, lo lắng rồi cũng không có tiền cho các em ăn học. Còn nếu em đi làm để nuôi 2 em ăn học thì sẽ phải gác giấc mơ bước vào giảng đường đại học của mình. Cuối cùng, em đã phải nghỉ học để vào Nam kiếm việc làm vì em biết trách nhiệm của mình với 2 em còn rất nặng nề.
Hồng tâm sự: “Vì nhà nghèo quá, không có tiền học nên chị Minh đã vào Đồng Nai xin việc làm. Hai chị em Hồng và Đức ở nhà tự chăm sóc nhau và nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm”.
Được biết, em Phan Thị Hồng và Phan Duy Đức, vì gia đình quá khó khăn nên số tiền đóng học của 2 chị em đã bị nợ từ 3 năm trước đến nay. Vì các em còn học trong trường và là học sinh giỏi nên nhà trường đã để các em được lên lớp. Thế nhưng, năm nay cả 2 chị em đều là năm cuối cấp nên đầu năm học này, nhà trường đã thông báo nếu không thanh toán hết số tiền nợ, sẽ không làm hồ sơ cho các em chuyển cấp. Minh mới đi làm cũng chưa có tiền gửi về cho các em. Giấy chứng nhận hộ nghèo, Hồng đã tự sang xã xin với hy vọng sẽ được giảm một phần tiền học cho 2 chị em trong năm nay. Áo quần, sách vở thì những anh chị trong xóm gom góp lại để cho 2 chị em. Thế nhưng, số tiền nợ nhà trường từ mấy năm trước dồn lại, các em chưa biết lấy đâu ra nộp, 2 chị em giờ đang rất lo sẽ bị nhà trường cho thôi học.
Khi được hỏi về cha mẹ, Hồng kể: “Mẹ từ khi bỏ đi đến nay không về, mà cũng không liên lạc gì về nhà, còn cha thì đi theo mự (vợ khác) ở huyện Đức Thọ, lâu lâu cha cũng có về đưa cho chị em vài ba chục nghìn đồng mua bó rau, cha ghé về nhà tí chút rồi cũng đi liền. Đã 4 năm qua, các em không hề nhận được tình thương - hơi ấm của cha mẹ, mặc dù cha mẹ em vẫn còn đó.
Em Hồng bùi ngùi: “Bây giờ em chỉ có một ước mơ là có tiền nộp học để cả 3 chị em đầu được tiếp tục đi học, để chị Minh được theo đuổi ước mơ của mình mà không phải đi làm vất vả nữa. Em cũng muốn cha mẹ quay về bên các em để các em được như các bạn khác, để các em không phải sống thui thủi như trẻ mồ côi khi vẫn còn cả cha lẫn mẹ”.
Nhìn 2 chị em Hồng và Đức ăn bữa cơm tối chỉ có một đĩa rau muống luộc với chén nước mắm mà vẫn cười đùa ngây ngô, khiến chúng tôi không khỏi xót xa, nghẹn ngào đến đắng lòng. Các em còn quá nhỏ mà đã phải chịu bao vất vả. Mong cho những người làm cha, làm mẹ đừng quên đi những đứa con mình đứt ruột sinh ra; đừng quên rằng mình đã có một gia đình hạnh phúc, có những đứa con ngoan ngoãn như thế. Mong cho cha mẹ em nhanh chóng hồi tâm mà quay về chăm sóc, lo lắng cho những đứa con… |
Danh Tạo