Bà Merkel trúng cử Thủ tướng, đảng cực hữu trở lại Quốc hội Đức - Hình 1
Dù tỷ lệ ủng hộ suy giảm, bà Merkel vẫn sẽ là một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất ở châu Âu - Ảnh: Reuters

Theo tin từ Reuters, hai năm sau ngày bà Merkel mở cửa biên giới để đón hơn 1 triệu người nhập cư, Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) - với quan điểm dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư và phản đối hội nhập châu Âu - đã gây sửng sốt khi trở thành đảng cực hữu đầu tiên bước chân vào Quốc hội nước này sau hơn một nửa thế kỷ.

AfD đã giành 13% số phiếu trong cuộc tổng bầu cử này, tỷ lệ phiếu cao hơn dự báo, và là một cú sốc trong cuộc bầu cử kịch tính mà Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel nhận kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1949. Cùng với đó, đối thủ chính của CDU là Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng đạt tỷ lệ phiếu thấp nhất kể từ năm 1933.

Gọi thành công của AfD là một bài kiểm tra đối với người Đức, Merkel khẳng định bà được trao sứ mệnh lãnh đạo đất nước - một thách thức to lớn mà bà không có nhiều lựa chọn để giải quyết, ngoài việc lập liên minh ba đảng giữa CDU, Đảng Dân chủ tự do (FDP) và Đảng Xanh. Đây là một liên minh chưa từng được thử thách ở tầm quốc gia. Việc lập liên minh có thể phải mất tới vài tháng để hoàn thành.

“Dĩ nhiên, chúng tôi đã hy vọng có được kết quả tốt hơn một chút”, bà Merkel bày tỏ sau khi CDU nhận số phiếu 32,9%, so với mức 41,5% đạt được trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2013. 

Nhưng bà nói thêm: “Chúng tôi là đảng mạnh nhất, chúng tôi được trao sứ mệnh xây dựng chính phủ tiếp theo, và không thể có một chính phủ liên minh nào chống lại chúng tôi”.

Tỷ giá đồng Euro đã giảm khoảng 0,4% so với đồng vào sáng sớm nay theo giờ châu Á, khi giới đầu tư lo ngại rằng kết quả cuộc bầu cử Đức sẽ khiến việc lập liên minh cầm quyền trở thành một vấn đề không dễ dàng đối với bà Merkel.

SPD, đảng đã nằm trong liên minh cầm quyền với CDU suốt 4 năm qua, chỉ giành 20,6% số phiếu bầu. Gần một nửa cử tri Đức đã chọn không bỏ phiếu cho SPD và CDU, hai đảng đã thống trị chính trường Đức suốt từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Kết quả này diễn ra sau một loạt cú sốc bầu cử trên thế giới trong năm ngoái, từ việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời bỏ Liên minh Châu Âu (EU), cho tới việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Tất cả những cuộc bầu cử này đều cho thấy sự nổi lên của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.

Là con gái của một vị mục sư, sinh trưởng ở Đông Đức, bà Merkel đã giữ vai trò là một “mỏ neo” cho sự ổn định ở châu Âu.

Dù tỷ lệ ủng hộ suy giảm, bà Merkel vẫn sẽ là một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất ở khu vực này. Trước bà Merkel, Thủ tướng Helmut Kohl, người có công thống nhất nước Đức, và Thủ tướng Konrad Adenauer, người đưa nước Đức “hồi sinh” sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cũng từng lãnh đạo nước này trong 4 nhiệm kỳ.

Là một người bảo thủ với đầu óc thực tế, bà Merkel đã chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone, qua đó giành được sự nể trọng của cộng đồng quốc tế. 

Từng là một nhà vật lý học, bà Merkel mới chỉ tham gia chính trường Đức kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Bà được đánh giá là một nhà đàm phán tài năng và đến nay hầu như chưa có một nhân vật nào đủ khả năng thay thế bà lãnh đạo nước Đức. 

An Huy - vneconomy