Linh hoạt các giải pháp dạy học trực tiếp, an toàn
Theo tìm hiểu của phóng viên, để chuẩn bị cho học sinh học trực tiếp tại trường theo kế hoạch, từ 11/02 đến 13/02, các trường học trên địa tỉnh đều đã có kế hoạch phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức xét nghiệm nhanh Covid – 19 cho học sinh và toàn thể giáo viên, nhân viên.
Tại Trường Tiểu học Trưng Vương, thành phố Vũng Tàu, trong sáng 11/02, có 1.340 học sinh 5 khối lớp được nhà trường bố trí lệch giờ để test Covid – 19, tránh tập trung đông. Trước khi vào tập trung tại sân trường, học sinh phải qua phòng khử khuẩn tự động và đo nhiệt độ. Bà Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Công việc này sẽ được thực hiện hàng ngày khi học sinh đến trường từ ngày 14/02. Trường được phụ huynh tài trợ, trang bị cho 2 buồng khử khuẩn tự động nên công đoạn này được đẩy nhanh và tiện lợi hơn.
Ngoài ra, trường đã thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, bố trí phòng cách ly Fo, có phương án, quy trình xử lý khi phát hiện học sinh có dấu hiệu nghi ngờ. “Mặc dù điều chỉnh thời gian nhưng mọi công việc đều trong sự kiểm soát, có kế hoạch trước nên không có gì bị động”, bà Phượng cho hay.
Để đảm bảo giãn cách, phòng dịch, Trường Tiểu học Trưng Vương chia đôi sỹ số học sinh mỗi lớp, một nửa học sáng và một nửa học buổi chiều, đồng thời áp dụng cả hai hình thức vừa trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo số tiết học, đồng thời sắp xếp, bố trí hài hòa với đội ngũ giáo viên hiện có”.
Với số lượng học sinh khá đông, hơn 2 ngàn em, nằm ở vị trí dân cư đông, cổng trường địa hình chật hẹp, để đón học sinh trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến, Trường Tiểu học Bình Minh (Vũng Tàu) đã chủ động sẵn sàng mọi phương án đảm bảo việc dạy và học an toàn, phòng chống dịch. Theo bà Trần Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, ngoài quy định bắt buộc đo thân nhiệt, sát khuẩn, khẩu trang, nhà trường bố trí phân luồng giao thông, đưa, đón học sinh các khối lớp lệch nhau 15 phút.
Giờ ra chơi, các em không ra sân mà nghỉ tại lớp. Nguồn lực giáo viên, nhân viên được huy động tối đa để đồng hành cùng phụ huynh, học sinh đảm bảo phòng dịch. Do việc học giãn cách nên trường phải tách 1 lớp ra 2 phòng sát nhau để giáo viên tiện giảng dạy cả hai cùng một lúc. Với việc chia tách này, nhà trường vẫn phải tổ chức cả 02 hình thức (03 buổi trực tiếp; 02 buổi trực tuyến/1 tuần với mỗi khối lớp) nhằm đảm bảo nội dung chương trình. Phòng cách ly y tế được trường bố trí ngay phía cổng với cách thức, quy trình xử trí đã được quán triệt cụ thể đến giáo viên và nhân viên y tế học đường.
Một trong địa phương của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu luôn cần lưu tâm trong phòng chống dịch là thị xã Phú Mỹ, nơi tập trung các khu công nghiệp, cảng biển. Ông Võ Trọng Danh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ cho hay: Học sinh khối 9 học trực tiếp từ trước tết và trước đó, trường đã tổ chức diễn tập tình huống giả định khi có học sinh Fo, bố trí phòng cách ly F0 và một phòng dự bị.
Học sinh từ khối 7 trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Chỉ còn 300 em khối 6 mới chuyển cấp chưa tiêm. Các công việc chuẩn bị đón học sinh khối 6, 7, 8 đã sẵn sàng. Vấn đề e ngại ở đây, theo ông Danh, Phú Mỹ là địa bàn đông công nhân từ nhiều nơi về cư trú, làm việc, nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Do vậy, nhà trường tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh thường xuyên theo dõi sức khỏe con em mình, thông báo ngay với nhà trường nếu có biểu hiện nghi mắc để có biện pháp xử lý sớm.
Phấn khởi, lo lắng đan xen
Chị Đỗ Thị Luyến, phụ huynh có con học lớp 7 (THCS Vũng Tàu) và lớp 3 Trường Tiểu học Hạ Long (Vũng Tàu) chia sẻ: Các con rất phấn khởi khi được đi học trực tiếp tại trường. Bản thân chị cảm thấy yên tâm khi cho con đi học, vì hiện nay tỉ lệ người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin trở lên khá cao nên cũng không quá lo ngại như trước. Tuy nhiên mình cũng không nên chủ quan, cần chú trọng chăm sóc các con đảm bảo ăn uống đầy đủ, tăng sức đề kháng. Tôi hạn chế cho con tiếp xúc chỗ đông người, mỗi lần đi đâu về, tôi đều dùng nước muối ấm rửa mắt, xịt mũi và súc họng cho các cháu.
Tham gia Ban Đại diện Cha mẹ học sinh nhà trường, chị Luyến cho biết, tại trường các con chị theo học, hầu hết phụ huynh đều đồng tình cho con đi học trực tiếp tại trường.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thu Lan phụ huynh có con học lớp 8 (THCS Huỳnh Khương Ninh) và lớp 4 (Tiểu học Thắng Tam) thành phố Vũng Tàu cho rằng: Đã đến lúc cần phải cho học sinh đến trường, mong dịch được đẩy lùi để các cháu ổn định học tập, chứ không thể để các cháu ở nhà lâu hơn. Hiện tại 2 cháu nhà chị Lan, một cháu lớp 8 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, một cháu học lớp 4 chưa được tiêm phòng nhưng bản thân chị không lo sợ điều gì.
Cũng có 2 con trai đang học lớp 10 trường THPT Đinh Tiên Hoàng và lớp 5 Trường Tiểu học Thắng Tam (Vũng Tàu), chị Phạm Thanh Giang lại tỏ ra khá lo lắng và chưa thực sự yên tâm khi con học trực tiếp tại trường vì tình hình dịch vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ. Tuy nhiên, việc học trực tuyến ở nhà kéo dài thời gian qua, trong khi bố mẹ bận đi làm đã bộc lộ nhiều vấn đề lo ngại về thể chất, tâm sinh lý của con. Chị Giang cho biết: Gần đây tôi nhận thấy thái độ của con lạnh lùng, thờ ơ, dễ nổi cáu, không nghe lời như trước, con lớn thì “ôm" điện thoại suốt ngày, kết quả học tập học kỳ 1 chưa phản ảnh đúng thực lực học sinh. Mặc dù chưa yên tâm nhưng chị Giang xác định sẵn sàng thích ứng với bối cảnh hiện nay, gia đình chị đã có biện pháp để tăng sức đề kháng, trang bị kỹ năng phòng ngừa dịch bệnh cho con đến trường.
Theo Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, để chuẩn bị cho học sinh đến trường vào ngày 14/02, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường hoàn thành mọi công tác chuẩn bị đảm bảo phòng chống dịch an toàn trước ngày 14/02, cụ thể: Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất; khảo sát ý kiến phụ huynh; xây dựng kế hoạch, phương án phòng dịch khi học trực tiếp; tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho toàn thể giáo viên, nhân viên và học sinh các cấp; tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên, học sinh, phụ huynh tạo sự đồng thuận, không chủ quan xem nhẹ việc phòng dịch nhưng không căng thẳng quá mức ảnh hưởng đến học tập của học sinh.
Người đứng đầu Sở cũng chỉ đạo, trong giai đoạn đầu học trực tiếp (từ ngày 14/02 đến ngày 28/02), việc tổ chức dạy học tại các trường được thực hiện với nội dung cơ bản, cốt lõi theo văn bản của Sở, Bộ phù hợp với điều kiện nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải cho học sinh. Các trường cần tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh, đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra.
Thanh Huyền