Trường Nguyễn An Ninh 1: Trường THCS Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu vinh danh học sinh giỏi
Trường THCS Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu vinh danh học sinh giỏi. (Ảnh: PV)

 “Học thật, thi thật, nhân tài thật” là nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 14/11/2021. Đây không chỉ là yêu cầu bức thiết của toàn xã hội, mà còn là một trong những giải pháp căn cơ chống bệnh thành tích trong giáo dục.

“Học thật, thi thật” hiểu thế nào cho đúng?

Chưa bàn đến chuyện “nhân tài thật”, chỉ riêng chuyện “Học thật, thi thật” đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải nghĩa tóm tắt: “Học thật hay thực học, xét về phương diện nội dung là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước. Học thật, thi thật, trước hết và luôn luôn là việc của ngành giáo dục, nhưng cũng là của toàn xã hội...”

Bà Rịa Vũng Tàu (BR-VT) là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh và toàn diện, nhu cầu lao động chất lượng cao đang đặt ra những thách thức lớn, nên việc học thật, thi thật tất yếu phải là tiêu chí đầu tiên trong phát triển giáo dục.

Học thật, thi thật, là nói về phía người học, nhưng người học lại chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác: Thầy cô, cha mẹ học sinh, các nhà quản lý giáo dục và cơ chế chính sách…

Trường Lê Quý Đôn 2: Lễ đón học sinh lớp 10 năm học 2019 – 2020 của Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Vũng Tàu.
Lễ đón học sinh lớp 10 năm học 2019 – 2020 của Trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: PV)

Cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết:

“ Học sinh Trường Lê Qúy Đôn, TP. Vũng Tàu đều có xuất phát điểm là học sinh khá giỏi ở các trường trung học cơ sở trong tỉnh, nên khi vào đây phụ huynh không chấp nhận việc con mình có kết quả học tập thấp. Chính vì lẽ đó, các em chịu áp lực từ sự kì vọng của gia đình và của chính mình.

Trong quá trình học tập, hầu hết các em đều có ý thức vươn lên, nỗ lực, cố gắng, để có kết quả học tập tốt, đáp ứng lòng mong mỏi của cha mẹ. Tuy nhiên, số ít còn lại thì mệt mỏi, chán chường và đối phó bằng gian lận.

Là trường chuyên, nên những áp lực thành tích vẫn chưa hề  giảm bớt, những áp lực từ những kỳ thi liên tục trong năm, những bất cập trong chương trình giáo dục phổ thông và cả một số vướng mắc từ cơ chế đến nay vẫn chưa được khai thông …”

Để học thật trước hết là phải loại bỏ thói học vẹt, học thuộc lòng, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn… 

Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại, không “ngồi nhầm lớp", không vì thành tích mà cho qua…Cần có nhiều giải pháp để loại bỏ tư tưởng học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng. Thực tế đã cho thấy, có người nhiều bằng cấp, nhưng trước những công việc thực tế thì không làm được.

Bàn về phía người học: Nếu một học sinh không đủ năng lực vào “nhầm lớp” sẽ là nỗi khổ của chính các em, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Từ đó phát sinh những hệ lụy tiêu cực, chán học, bi quan, nảy sinh những tư tưởng tiêu cực…mà trên thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp đau lòng.

Trường TH Trưng Vương 3: Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương, thành phố Vũng Tàu trong ngày khai giảng.
Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương, thành phố Vũng Tàu trong ngày khai giảng. (Ảnh: PV)

Về phía phụ huynh, ông Phạm Hùng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) là phụ huynh của hai con học tại Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn TP. Vũng Tàu nêu quan điểm: “Học tập là cả một quá trình đầu tư nhiều công sức và thời gian. Nhiều trường hợp gia đình buông lỏng việc học tập của các em ở lớp dưới, đến khi lên lớp trên bị rỗng kiến thức, lúc đó cha mẹ lại tỏ ra nóng vội, tìm cách nhồi nhét, bắt con đi học thêm hết lớp này đến lớp khác, tạo nên  áp lực quá lớn, khiến các em chán nản, nảy sinh những hành động tiêu cực…”

Theo bà Ngô Thị Hường (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu): “Muốn học thật, thì phải dạy thật; phải sửa đổi quy chế đánh giá, xếp loại học sinh; phải có cách nhìn khác về phổ cập giáo dục”.

Cô Hà Thị Sáu (giáo viên dạy toán, nhiều năm dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Muốn các em học thật, hay nói cách khác là say mê học tốt môn học mà mình dạy, trước hết thầy cô phải giỏi, phải tận tâm, yêu nghề; phải mang hết khả năng, tâm huyết, phải truyền lửa đam mê cho học sinh; phải “cháy” hết mình trong mỗi giờ lên lớp. Gần 10 năm luyện thi học sinh giỏi, tôi đã bỏ rất nhiều thời gian công sức, có hôm dành cả ngày nghỉ lang thang vào các hiệu sách, tìm tòi, phát hiện, để mua những cuốn sách hay phục vụ công tác giảng dạy.”

Có thể dễ dàng nhận thấy, một học sinh giỏi thực học, trước hết phải có tố chất thông minh, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, say mê tìm tòi sáng tạo và tự giác học tập. Thế nhưng, nếu thiếu vai trò của người thầy giỏi, kết quả học tập của các em sẽ không thể tốt.

Nhu cầu đặt ra là vậy, thế nhưng muốn có thầy giỏi, lại là câu chuyện dài liên quan đến nhiều ngành, nhiều nghề, nhiều yếu tố khác. Trước hết là việc tuyển sinh đầu vào của các trường sư phạm, chế độ đãi ngộ giáo viên dạy giỏi để thu hút nhân tài và ngay cả việc tuyển chọn viên chức ngành giáo dục cũng phải tìm được đúng người có tâm huyết và năng lực thực sự.

Trường Trần Nguyên Hãn 4: Học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn, thành phố Vũng Tàu tham gia hội thi
 Học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn, thành phố Vũng Tàu tham gia hội thi. (Ảnh: PV)

Theo ông Đào Văn Phước (Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh BR-VT, để việc học thật, thi thật mang tính khả thi thì: “Việc phân luồng và phân hóa các đối tượng học sinh cần phải được thực hiện ngay ở cấp trung học cơ sở vì có những em học sinh, học tập không giỏi nhưng lại có thể trở thành những người thợ rất khéo léo, tài hoa… Hiện nhà trường đang triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho các em học sinh khối 10 trong năm học tới 2022 – 2023”.

“Học thật, thi thật” bắt đầu từ đâu?

Phát biểu tại Hội nghị (trực tuyến), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải ở các trường THPT chuyên”.

Cô Lữ Thị Trà Giang (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn, TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT) chia sẻ: “Từ mục đích học tập, thi cử thực dụng của một bộ phận phụ huynh học sinh với mong muốn học để đạt được bảng thành tích cần thiết, đủ để các em dễ dàng vào một trường đại học cụ thể nào đó. Điều này khiến học sinh chỉ tập trung vào các môn học và hoạt động đáp ứng yêu cầu hồ sơ dự tuyển, dẫn đến tình trạng sẵn sàng học lệch, học đối phó nhiều môn học khác, sẵn sàng gian lận để có điểm cao trong các kỳ kiểm tra…”

Không thể phủ nhận những mặt tích cực, hiệu quả mang lại từ mô hình trường chuyên, lớp chọn. Cô Lưu Thị Tường Linh (Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) nhận xét: “Thực tế các em học sinh được tuyển chọn vào lớp nguồn có lực học rất giỏi và có ý thức tự giác cao, rất chăm học. Giáo viên chỉ cần hướng dẫn các em đầu sách tham khảo, khích lệ tính tự lập, tự học, tự nghiên cứu sáng tạo trong mỗi học sinh. Quan trọng nhất của trường chuyên, lớp chọn là đào tạo để nuôi dưỡng khát vọng, đam mê của học sinh”.

Theo ông Lê Văn Tuyền (Chánh Văn phòng - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Muốn học thật, thi thật trước hết phải thay đổi cách thi, cách ra đề thi. Mới đây, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có buổi làm việc với Trường Đại học Quốc gia TP.HCM, trong đó có nội dung “Sở GD&ĐT tỉnh đề xuất việc thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập hàng năm bằng hình thức khảo sát năng lực toàn diện, đánh giá tất cả các môn học của học sinh lớp 9”…Mặt khác, Sở GD&ĐT tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị tới đây tổ chức thi theo “Ma trận đề” mà sở đã duyệt…

Đào Quốc Thịnh