Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy thành phố Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị
Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy thành phố Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thanh Huyền)

Một trong những đơn vị báo cáo tham luận tại hội nghị về “chuyển đổi số - thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Lưu Ngô Trọng Dũng, Phó Giám đốc Viettel Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết:  Thành phố Vũng Tàu hoàn toàn có thể “bùng nổ” thanh toán không dùng tiền mặt và đề xuất triển khai thí điểm chợ 4.0 trên địa bàn. 

Với mô hình chợ 4.0, chợ truyền thống sẽ chuyển dịch thanh toán số một cách toàn diện, phục vụ mọi nhu cầu thanh toán tại chợ chỉ trên một ứng dụng Viettel money. Tiểu thương tại chợ chỉ mất một phút đăng kí trên ứng dụng Viettel money là được cấp mã QR code (QR). “Người dân mua một bó rau chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể thanh toán mà không cần dùng tiền mặt”, ông Dũng nêu ví dụ.

Theo ông Dũng, ở đâu có sóng Viettel, ở đó người dân có thể tiếp cận dịch vụ Viettel money. Đây vừa là tài khoản viễn thông vừa có thể nghe, gọi, nhắn tin, thanh toán tiền điện, tiền nước và các hoạt động tài chính không dùng tiền mặt.

Ông Lưu Ngô Trọng Dũng, Phó Giám đốc Viettel Bà Rịa -Vũng Tàu
Ông Lưu Ngô Trọng Dũng, Phó Giám đốc Viettel Bà Rịa -Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Huyền.
Mô hình chợ 4.0
Mô hình chợ 4.0. (Ảnh: Thanh Huyền)

Tại hội nghị, ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng cho biết: Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển, đa dạng hóa các dịch vụ thanh toán điện tử với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, đa dạng, an toàn, tiện lợi;  đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là hạ tầng thanh toán điện tử.

Năm 2021, giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng ước tăng 46,9% so với năm 2020. Giao dịch nộp thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 98,8% tổng số tiền đã thu trong kỳ, tăng hơn 11% so với năm 2020. 100% đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã trả lương qua tài khoản. Các giao dịch thanh toán viện phí, học phí, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chương trình an sinh xã hội không sử dụng tiền mặt tăng dần so với năm trước.

Ngoài ra, phát biểu tại hội nghị, đại diện các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, các siêu thị, doanh nghiệp du lịch, khách sạn đều cho rằng đang rất nỗ lực triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, tỷ lệ khách hàng trên địa bàn thành phố Vũng Tàu thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt chiếm hơn 78%; tiền nước 76,6%.

Đại diện Công ty CP Cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu cho biết năm 2022-2023, Công ty ngưng thu tiền mặt toàn thành phố Vũng Tàu.
Đại diện Công ty CP Cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu cho biết năm 2022-2023, Công ty này ngưng thu tiền mặt toàn thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Huyền.

Chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh là một trong 4 nhiệm vụ then chốt mà Đại hội Đảng bộ thành phố Vũng Tàu đề ra trong nhiệm kỳ (2021-2025). Thành phố này xác định nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong năm 2022 là tập trung vào ba trụ cột: Chính quyền số, xã hội số; kinh tế số. Mục tiêu 100% văn bản phải được ký số và phát hành thông qua phần mềm quản lý hồ sơ điện tử; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được nhận và xử lý liên thông qua phần mềm một cửa điện tử; 30 đến 40% các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có website riêng tham gia sàn thương mại điện tử du lịch của tỉnh;  90% các khu di tích lịch sử, các danh thắng trên địa bàn thành phố được gắn mã QR code phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin; hơn 70% dân số thành phố có tài khoản ngân hàng;  80% phụ huynh học sinh nộp tiền học phí, bảo hiểm y tế và các khoản phí khác thông qua hình thức chuyển khoản…

Theo thống kê, thành phố Vũng Tàu hiện có hơn 70% dân số có điện thoại thông minh. Đây cũng là lợi thế góp phần thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh, hiện thực hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phố Vùng Tàu đề ra.

Thanh Huyền