Ảnh minh họa

Theo đó, mục đích của việc ban hành Kế hoạch là triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Trung ương và UBND tỉnh về phát triển ngành nghề nông thôn nhằm tạo điều kiện cho các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững; tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập người dân góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm OCOP.

Kế hoạch triển khai một số nội dung trọng tâm, như:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định;

Lập, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đạt các tiêu chí theo quy định;

Hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia hội thi, hội chợ triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; duy trì, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn; 

Chú trọng công tác đào tạo tay nghề cho người làm việc tại các cơ sở ngành nghề nông thôn về kỹ năng thiết kế mầu mã, kỹ năng quản lý sản xuất, kinh doanh và phát triển sản phẩm gắn với an toàn vệ sinh lao động.

Đồng thời, Kế hoạch cũng xây dựng và triển khai thực hiện các dự án phát triển nghề truyền thống nhằm hỗ trợ một phần kinh phí về nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tạo sản phẩm đặc trưng. Trong đó, bao gồm: Dự án phát triển nghề truyền thống rượu Hòa Long, thành phố Bà Rịa; Dự án phát triển nghề truyền thống sò ốc mỹ nghệ, thành phố Vũng Tàu; Dự án phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện đã đề ra và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; chú trọng công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển sản phẩm có thế mạnh của địa phương; đồng thời sử dụng nguồn kinh phí hợp lý, có hiệu quả để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề nông thôn duy trì ổn định sản xuất, từng bước phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.

Thuận Yến - Thùy Linh