Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền (người đứng bên phải) trò chuyện với ngư dân trong buổi họp mặt đầu xuân, dùng cơm trưa ngày 17/2 |
Chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Nỗ lực cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về IUU, năm 2023 các cơ quan chức năng huyện Long Điền đã tổ chức 26 hội nghị với 2.867 người tham dự, trao tặng 2.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân, phát 6.000 tờ rơi, 1.000 tờ dán tuyên truyền chống khai thác IUU.
Các địa phương cũng tổ chức cho 100% chủ tàu cá trên 15 m ký cam kết không đánh bắt ở vùng biển nước ngoài và lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình 24/24h.
Đồn Biên phòng Phước Tỉnh đã lập danh sách 137 chủ tàu cá với 307 tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép đưa vào diện theo dõi, quản lý đặc biệt. Đơn vị cũng đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng cho 4.618 lượt tàu cá trong năm 2023, trong đó 2.584 tàu cá xuất bến và 2.034 tàu cá nhập bến.
Theo ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền, không chỉ các cơ quan chức năng, nhiều tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện cũng vào cuộc tuyên truyền phòng, chống IUU. Một số địa phương có cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền như mô hình cà phê sáng cùng ngư dân, xây dựng nhóm Zalo quản lý, chia sẻ các hoạt động đánh bắt của tàu cá trên biển… Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân được nâng cao, tạo sự cộng hưởng, góp phần tạo nên thành công của huyện trong năm 2023 về công tác chống khai thác IUU: Không có trường hợp tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Thay mặt chính quyền địa phương, tại buổi họp mặt, ông Lâm Văn Hồng đã tặng quà và chúc bà con ngư dân có một năm đánh bắt hải sản thắng lợi, tiếp tục nỗ lực cùng các cơ quan chức năng và địa phương gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU trong lần thanh tra sắp tới, dự kiến trong tháng 4/2024 của EC.
Nhiều giải pháp gỡ khó
Trong không khí ấm áp, nghĩa tình đầu xuân, bà con ngư dân đã sôi nổi chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống IUU và đề xuất giải pháp giải quyết với các cơ quan chức năng.
Tổ công tác Đồn Biên phòng Phước Tỉnh sử dụng “Tiếng loa Biên phòng” phát nội dung tuyên truyền về phòng chống khai thác IUU tại cảng cá Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: Quang Anh)
Ông Huỳnh Tấn Nhất (ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh) chia sẻ khó khăn trong công tác đăng kiểm:
“Đi biển bây giờ hiệu quả kinh tế không còn được như ngày xưa, chi phí đầu vào lại tăng lên. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi đều tăng thời gian đánh bắt mỗi chuyến biển từ 1 - 2 tháng lên 3 - 4 tháng, thậm chí 6 tháng. Trong thời gian đó thì hạn đăng kiểm hết, khi quay về bờ sẽ bị xử phạt vi phạm tàu chưa gia hạn đăng kiểm”.
Ông Nhất kiến nghị chính quyền địa phương gia hạn thời gian đăng kiểm hoặc cho chủ tàu cá đăng kiểm trước khi tàu ra khơi, gối đầu tiếp thời hạn còn đăng kiểm cho năm sau.
Việc gia hạn giấy phép khai thác và giấy chứng nhận ATTP cũng gặp vấn đề tương tự. Chủ tàu cá phản ánh họ đang gặp khó khăn về quy định yêu cầu tất cả thuyền viên trên tàu phải đến bệnh viện khám sức khỏe, trong khi lực lượng này rất khó tập hợp, khan hiếm, lại hay nhảy việc, nhiều trường hợp vừa đi khám sức khỏe xong về lại nghỉ.
Đặc biệt, vướng mắc liên quan đến máy giám sát hành trình (GSHT) được nhiều ngư dân phản ánh trong buổi họp mặt, như: Thu phí vô tội vạ khi thay chì niêm phong máy; tàu về bờ nghỉ Tết sớm, hoặc tu bổ máy móc hơn 1 tháng, sau mở máy lại phải đóng thêm phí khởi động máy; việc phải quay tàu về bờ để sửa máy GSHT trong vòng 10 ngày khi máy hư hỏng gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngư dân…
“Chạy tàu về bờ sửa máy cũng phải mất 10 - 20 ngày, lúc đó thuyền viên không chờ được mà sẽ bỏ việc. Cộng với hao hụt xăng dầu di chuyển và thiệt hại kinh tế đánh bắt những ngày đó có thể lên đến cả tỷ đồng”, chủ tàu cá ở xã Phước Tỉnh, ông Nguyễn Tấn phản ánh.
Từ đó, ngư dân kiến nghị các cơ quan chức năng cho tàu cá vẫn ở lại hoạt động trên biển khi máy GSHT hư hỏng và các lực lượng đang thực thi pháp luật trên biển (như cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư, bộ đội biên phòng) ở gần tàu cá đó có thể đến xác nhận hiện trạng tàu.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng, kiến nghị này của ngư dân có thể thực hiện được. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển sau khi đến xác nhận hiện trạng tàu cá, có thể gắn tạm một máy GSHT khác cho tàu cá để việc theo dõi hoạt động của tàu cá trên biển qua vệ tinh được kết nối và việc giám sát tàu cá này thời gian sau đó sẽ do đơn vị chấp pháp đó chịu trách nhiệm.
Theo đại tá Nguyễn Văn Thống:
“Chi phí thực hiện sẽ do nhà nước chi trả, có thể lấy từ Quỹ bảo vệ môi trường biển. Giải pháp này, có thể giúp chúng ta quản lý được tàu cá đi đâu, làm gì, mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân yên tâm bám biển.
Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, nghiên cứu tham mưu Chính phủ, có thể áp dụng thí điểm trước ở các địa phương đang có nhiều tàu cá vi phạm mất kết nối máy GSHT trên 10 ngày, sau đó mở rộng ra cả nước”.
H. Thủy (Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/)