Tháng 4/2019, UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã “phê duyệt phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình 135 và Chương trình 30a” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) năm 2019 của huyện Bá Thước. Theo đó, xã Ái Thượng là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn của huyện và được hưởng lợi từ chương trình này.
Trâu dự án cho hộ nghèo không đảm bảo chất lượng, cũng như chưa được tiêm phòng theo quy định
Cụ thể, tổng kinh phí thực hiện hai dự án tại xã Ái Thượng là 500 triệu đồng. Riêng “Dự án chương trình 135” hỗ trợ trâu sinh sản được phân bổ về xã Ái Thượng là 200 triệu đồng, từ nguồn vốn đó chính quyền xã đã trao cho 17 hộ nghèo và cận nghèo trong xã nhằm phát triển ngành chăn nuôi của địa phương, cải thiện kinh tế hộ gia đình. Mức hỗ trợ cho hộ nghèo là 10 triệu đồng, hộ cận nghèo là 8 triệu đồng.
Trâu sinh sản trước khi về đến hộ dân phải đủ cân nặng từ 120kg trở lên, phải đăng ký kiểm dịch tại địa phương của đơn vị cung ứng và phải thực hiện đầy đủ các bước tiêm phòng dịch nhằm đảm bảo con giống tốt, khỏe mạnh không dịch bệnh.
Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều hộ dân trong diện được hỗ trợ, thì những con trâu khi về không đảm bảo các tiêu chuẩn trên. Đáng lo ngại hơn, việc đơn vị cung ứng không đảm bảo mọi giấy tờ về pháp lý, còn chính quyền xã không hiểu về quy trình tiêm phòng bệnh cũng như kiểm dịch cho đàn trâu dự án.
Đưa hộ nghèo vào tình cảnh khó hơn
Được biết, nhiều năm nay thực hiện chương trình Dự án 135 tại xã Ái Thượng chính quyền xã đều chọn bò giống để cấp cho hộ nghèo, số tiền được nhà nước hỗ trợ là 10 triệu đồng/1 hộ. Nhưng năm nay chính quyền xã đã thay đổi từ cấp bò sang cấp trâu sinh sản. Tiền đối ứng của các hộ nghèo khi lấy trâu bị tăng lên gần gấp đôi so với tiền được hỗ trợ(!?).
Theo người dân cách làm trên của xã đẩy các hộ nghèo vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”. Bởi, họ đã khó khăn về kinh tế thì việc đối ứng tới một nửa, hoặc gần bằng số tiền nhà nước hỗ trợ sẽ không dễ dàng gì. Còn nếu không có được số tiền đối ứng phù hợp, liệu những hộ nghèo trên có phải nhận những con trâu không kém chất lượng?
Năm nay chính quyền xã chỉ đứng ở vị trí trung gian (môi giới), để cho các hộ dân tự làm việc với đơn vị cung ứng. Trong khi, đơn vị cung ứng đảm bảo chất lượng trâu với các hộ chỉ là những “lời hứa suông”, chứ không cụ thể bằng các giấy tờ, văn bản theo đúng quy định pháp luật để làm căn cứ.
Người dân cho rằng Trâu dự án gầy và nhỏ, không tương ứng số tiền mà nhà nước đã hỗ trợ
Đồng thời, ngoài số tiền hỗ trợ của từng hộ dân để đảm bảo về cân nặng của con trâu sinh sản tối thiểu từ 120 kg trở lên, thì hộ dân nào đóng tiền đối ứng nhiều sẽ được trâu to hơn, còn hộ dân nào đóng tiền đối ứng ít sẽ được trâu bé, kém chất lượng. Nhưng sau khi nhận trâu dự án, nhiều hộ dân nghèo hụt hẫng, lo lắng khi trâu kém chất lượng, thể trạng ốm yếu.
Cụ thể, bà V, một hộ nghèo tại thôn Giổi, xã Ái Thượng cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ cho 10 triệu đồng để mua trâu sinh sản, nhằm có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế. Ngoài số tiền đã được hỗ trợ, gia đình đóng thêm khoản tiền đối ứng 7,5 triệu đồng. Tổng số tiền mua con trâu lên tới 17,5 triệu đồng. Vẫn biết giá mua trâu dự án thường cao hơn bên ngoài, nhưng tôi không nghĩ lần này cao đến vậy. Khi nhận trâu về, tôi rất thất vọng vì trâu nhỏ, lông xù và có dấu hiệu không đảm bảo cân nặng. Trâu mua về mới được 2 tháng đã ốm hai lần, gầy yếu và rất kén ăn.Với thể trạng như vậy, nếu tôi mua bên ngoài cao nhất cũng chỉ 12 hoặc 13 triệu đồng. Trong khi, đó là con trâu nhà tôi được đánh giá là chất lượng nhất, trong số những con trâu của 17 hộ dân được hỗ trợ tại dự án đợt này”.
Không chỉ riêng mình hộ dân bà V, theo tìm hiểu của PV nhiều hộ dân ở địa bàn Thôn Giổi cũng lâm vào tình huống tương tự. Nhận trâu gầy yếu, gia đình anh A không chỉ phải tập trung chăm sóc, mà điều khiến họ lo lắng là khi xã chưa thực hiện trách nhiệm giúp người dân phối hợp, giám sát khi đơn vị cung ứng “mập mờ” trong việc đảm bảo thực hiện các giấy tờ, thủ tục tiêm phòng dịch đối với số trâu của dự án trên.
Không cung cấp hồ sơ tiêm phòng dịch
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc trên, PV đã có buổi làm việc với ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng, ông này cho biết: “Đơn vị cung ứng cho đàn trâu Dự án năm nay là hộ chăn nuôi bà Nguyễn Diệu Linh sống tại thôn La Hán, xã Ban Công (huyện Bá Thước). Năm nay xã có chút đổi mới, chuyển đổi từ bò sang trâu sinh sản và để cho các hộ dân tự đi chọn con giống. Nhà nước chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng/1 hộ dân, còn các hộ dân thích lấy trâu loại nào thì tùy vào tiền đối ứng. UBND xã chỉ ở vai trò trung gian cho các hộ dân trực tiếp làm việc với đơn vị cung ứng. Nhưng vẫn được xã kiểm tra, giám sát về chất lượng con giống cũng như giấy chứng nhận tiêm phòng dịch”.
ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng
Nói là vậy, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, ông Hoàng cùng cán bộ xã ngay tại buổi làm việc với PV không cung cấp được bất kỳ giấy tờ, hồ sơ nào liên quan đến tiêm phòng và chứng nhận kiểm dịch cho đàn trâu dự án. Ông Hoàng chỉ cung cấp cho PV mỗi tờ giấy chứng nhận tiêm phòng nhưng rất sơ sài, thiếu nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, không có sự xác nhận của UBND xã nơi đơn vị cung ứng, cũng như trưởng trạm thú y, chỉ mỗi chữ ký xác nhận của người tiêm phòng, thậm chí còn không có biên bản tiêm phòng dịch.
Giấy chứng nhận tiêm phòng không đủ điều kiện, nhưng vẫn được chính quyền xã Ái Thượng chấp thuận và cấp trâu cho các hộ dân
Trong khi theo quy định, hai bên phải có giấy tờ mua bán rõ ràng của đơn vị cung ứng và đơn vị mua, được UBND xã Ái Thượng xác nhận và một số giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ bao gồm: Biên bản tiêm phòng gia súc (có gắn thẻ tai) và phiếu trả lời kết quả xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền cấp (tại Thanh Hóa, hoặc do cục Thú y vùng III cấp), nhưng tại đây không hề có.
Về vấn đề này, một cán bộ công tác lâu năm trong ngành thú y cho biết: “Việc cấp trâu, bò Dự án bắt buộc phải thực hiện theo số 2357/SNN&PTNT-TY về công tác quản lý hoạt động vận chuyển cung ứng con giống gia súc trong địa bàn tỉnh. Còn giấy chứng nhận tiêm phòng trên không đủ điều kiện để hoàn thiện thủ tục hồ sơ trao đổi, mua bán trâu cũng như hoàn thiện các thủ tục thanh quyết toán”.
Theo quy định, trâu, bò dự án phải được tiêm vắc xin phòng dịch hai đợt. Đợt 1 gồm một mũi vắc xin tụ huyết trùng (THT) và một mũi vắc xin lở mồm long móng (LMLM) tiêm lần 1 và nhắc lại sau từ 21 đến 28 ngày thì tiêm mũi vắc xin LMLM thứ hai. Sau khi tiêm mũi thứ hai khoảng 14 đến 21 ngày mới lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng kháng thể LMLM.
Công tác thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững về hỗ trợ nguồn vốn, cải thiện phát triển kinh tế, nhưng với cách thực hiện tại xã Ái Thượng lại đang khiến những hộ dân nghèo thuộc diện được hỗ trợ lo ngại trước những hệ lụy trước mắt và sau này.
Trước sự việc trên đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và huyện Bá Thước cần kiểm tra làm rõ để có câu trả lời với những băn khoan của người dân xã Ái Thượng.
Lê Nam