Bắc Giang: Dân “mòn gót” hầu tòa vì Hợp đồng công chứng - Hình 1

Nhiều phiên tòa đã diễn ra nhưng đương sự vẫn không phục

Theo đó, ngày 14/6/2011, Văn phòng công chứng Xương Giang, địa chỉ số 396 đường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang có thực hiện công chứng Hợp đồng vay tiền có đảm bảo giữa bên cho vay là ông Nguyễn Văn Minh trú tại thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và bên vay là bà Nguyễn Thị Hồng cùng con trai là anh Nguyễn Văn Hiền trú tại phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Điều đáng nói đây là Hợp đồng vay tiền có đảm bảo là tài sản thế chấp của Hộ gia đình bà Hồng nhưng Hợp đồng công chứng lại không có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong Hộ gia đình.

Cụ thể, theo nội dung Hợp đồng, ông Minh đồng ý cho mẹ con bà Hồng vay số tiền là 1.000.000.000 đồng trong vòng 01 tháng (từ 14/6/2011 – đến 14/7/2011). Hai bên giao nhận bằng tiền mặt, lãi suất các bên tự thỏa thuận. Bên vay đã thế chấp tài sản thuộc quyền sở hữu của mình là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm 01 xưởng sản xuất + 01 nhà văn phòng tại địa chỉ thôn 13, xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Thửa đất này đã được UBND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số BC 132058 ngày 28/6/2010 mang tên người sử dụng là Hộ bà Nguyễn Thị Hồng. Giấy chứng nhận QSDĐ này Bên vay tiền (bà Hồng) đã giao cho bên cho vay (ông Minh) giữ bản gốc.

Hợp đồng có chữ ký của ông Minh, bà Hồng và anh Hiền (con bà Hồng) và công chứng viên Văn phòng công chứng Xương Giang. Kèm theo Hợp đồng là bản Lời chứng của công chứng viên Trần Văn Duyên, Văn phòng Công chứng Xương Giang, Thành phố Bắc Giang xác nhận các bên tham gia giao dịch đã thực hiện ký kết hợp đồng trước sự chứng kiến của Công chứng viên, trong đó Bên vay tiền là bà Nguyễn Thị Hồng cùng con trai là anh Nguyễn Văn Hiền.

Tuy nhiên, trên thực tế, Hộ gia đình bà Hồng còn có 01 người còn gái mang tên Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1989), tại thời điểm ngày 14/6/2011, chị Huyền 22 tuổi (trên 15 tuổi), đang học tại TP Hồ Chí Minh, đủ năng lực hành vi dân sự nhưng không hề có chữ ký ở Hợp đồng vay tiền có đảm bảo bằng tài sản thế chấp của Hộ gia đình có tên chị Huyền. Vậy Hợp đồng công chứng nói trên có giá trị pháp luật không? Hay nói cách khác, giao dịch công chứng Hợp đồng nói trên có vi phạm pháp luật?

Khi được hỏi về nội dung này, Luật sư Giáp Thị Vân, Văn phòng Luật sư Kim Vĩnh An, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Dân sự 2005 (thời điểm 2011 áp dụng Bộ luật này) thì việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.

Thêm nữa, Khoản 2, Điều 146, Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai quy định: “2. Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Vào thời điểm xác lập giấy vay nhận tiền bằng hình thức thế chấp tài sản (năm 2011), chị Huyền đã qua 15 tuổi và đủ năng lực hành vi dân sự nhưng Hợp đồng vay tiền có đảm bảo nói trên không có đủ chữ ký của cả 3 thành viên đã thành niên trong Hộ gia đình và cũng không có giấy ủy quyền của người vắng mặt là vi phạm quyền tự định đoạt của chị Nguyễn Thị Huyền với tư cách là chủ sử dụng, sở hữu chung tài sản trong hộ gia đình.

Đồng tình quan điểm với Luật sư Giáp Thị Vân, Luật sư Đinh Văn Ninh, Văn phòng Luật sư Đinh Văn Ninh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định, với những căn cứ như trên, Văn phòng Công chứng Xương Giang đã vi phạm nghiêm trọng về pháp luật công chứng và Luật Dân sự. Trong trường hợp này, Theo Điều 52, Luật Công chứng năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, người yêu cầu công chứng là bà Hồng, anh Hiền, còn chị Huyền là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – cả ba người này đều có quyền đề nghị tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.

Từ sai phạm trong lĩnh vực công chứng của Văn phòng công chứng Xương Giang đã dẫn đến hệ lụy phát sinh khiến quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng vay trở nên phức tạp. Nhiều phiên tòa diễn ra với các bản án được phía Toà án tuyên nhưng đương sự vẫn không phục và tiếp tục kháng cáo.

Luật Công chứng Số: 82/2006/QH11 ngày 29/11/2006 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2007. Sau một thời gian thực thi, Luật Công chứng đã có những sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Luật Công chứng sửa đổi năm 2014, có hiệu lực từ 1/1/2015 với những quy định mới tạo thuận lợi cho người dân như: Giao lại cho Công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại. Bên cạnh đó, Công chứng viên cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản…

Như vậy, bên cạnh việc tăng “quyền” cho các Văn phòng công chứng, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm của các Văn phòng công chứng để tránh những hậu quả pháp lý, gây khó khăn cho người dân.

Hoàng Nguyên