Bắc Giang: Lời kêu cứu của một Việt kiều - Bài 1: 'Chóng mặt' vì đổi quy hoạch - Hình 1

Lá đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Làn - Giám đốc DN Tư nhân Hoàng Lan gửi cơ quan báo chí

8 năm – 3 lần thay đổi

Theo nội dung đơn thư, năm 2004 khi biết UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Quy hoạch chi tiết Công viên trung tâm thị xã Bắc Giang (nay là Công viên Hoàng Hoa Thám) với diện tích 36,59ha và quy hoạch chi tiết tiểu khu dân cư và dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí quanh công viên; cùng với đó là hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế, DN Tư nhân Hoàng Lan đã xin được đầu tư dự án 'Khu dịch vụ thương mại - Ẩm thực  - Văn hóa thể thao và vui chơi giải trí' với mong muốn xây dựng quê hương.

Sau thời gian chờ đợi, cuối cùng DN Hoàng Lan cũng đượcUBND tỉnh chấp thận cho phép đầu tư Dự án tại văn bản số 2223/CV-CT ngày 21/12/2004, trong đó Dự án có quy mô diện tích là 36.200m2, DN phải tự bỏ tiền để đền bù GPMB trên toàn bộ diện tích bãi mả và sình lầy.

Tuy nhiên, trong khi DN đang thực hiện công tác bồi thường GPMB và hoàn thiện hồ sơ xin thuê đất để trình lên UBND tỉnh phê duyệt thì đến ngày 17/2/2006, UBND TP Bắc Giang lại ban hành QĐ số 21/QĐ-UBND (QĐ số 21) về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên trung tâm TP Bắc Giang (Công viên Hoàng Hoa Thám). Trong đó, tăng diện tích từ 36,59ha lên thành 43,15 ha, khi đó toàn bộ diện tích dịch vụ thương mại bị gom thành đất công viên. Điều này phá vỡ toàn bộ kết cấu cơ sở hạ tầng của dự an, bởi mật độ xây dựng giảm xuống chỉ còn 8,8%.

Không đồng ý với sự điều chỉnh như vậy, DN ngay sau đó đã có đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhưng cũng phải đến 3 năm sau tức ngày 13/4/2009, UBND TP Bắc Giang mới ban hành QĐ số 496/QĐ-UBND (QĐ số 496) về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu vực Công viên Hoàng Hoa Thám (tỉ lệ 1/500). Quyết định này ít nhiều nhận được sự đồng tình của DN khi điều chỉnh mật độ xây dựng lên 11,9%.

Sau khi QĐ mới được ban hành, DN tiếp tục mang hồ sơ đi xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư số 20121000088 cấp ngày 4/2/2008. Theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh mới (cấp ngày 1/9/2009) thì DN phải triển khai Dự án theo đúng Quy hoạch đã được duyệt tại QĐ số 21 và QĐ số 496 của UBND TP Bắc Giang. Như vậy, sau 5 năm kể từ khi được chấp thuận đầu tư, DN mới có giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 cho phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

Nhưng 2 năm sau, trong khi đang chờ đợi giấy phép xây dựng thì ngày 18/11/2011, UBND TP Bắc Giang lại tiếp tục ban hành QĐ số 3425/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng công viên Hoàng Hoa Thám (lần 3). Theo Quyết định này, điều chỉnh giảm diện tích xây dựng từ 43,15ha xuống còn 39,07ha. Phần diện tích dư thừa sẽ được chuyển từ đất công viên sang thành đất kinh doanh dịch vụ để giao cho các DN có dự án đã được phê duyệt. DN Hoàng Lan kịch kiệt phản đối bởi nếu theo QĐ số 3425 thì DN không thể triển khai dự án theo như nội dung của QĐ số 496 đã được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư sửa đổi lần 1.

Bỏ mặc quyền lợi của DN ?

Bắc Giang: Lời kêu cứu của một Việt kiều - Bài 1: 'Chóng mặt' vì đổi quy hoạch - Hình 2

Bắc Giang: Lời kêu cứu của một Việt kiều - Bài 1: 'Chóng mặt' vì đổi quy hoạch - Hình 3

Dù đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng nhưng sau 13 năm Dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ thương mại - ẩm thực - Văn hóa thể thao và vui chơi giải trí vẫn chỉ là cánh đồng hoang vì DN bị "xoay tua" theo quy hoạch?

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Làn - Giám đốc DNTN Hoàng Lan cho biết, tính tới thời điểm năm 2010, số tiền mà chúng tôi phải bỏ ra là trên 11,6 tỷ đồng chi trả cho việc thuê đất, hỗ trợ cư dân, tôn tạo đất đai, san lấp mặt bằng và thay đổi thiết kế 3 lần và kể cả việc phải tạm dừng dự án do BQL cắm nhầm chỉ giới đỏ... cũng chỉ để thực hiện QĐ số 496 và giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. Tuy nhiên, sự nỗ lực, cố gắng của DN lại đang bị chính những quyết định hành chính, hàng rào cơ chế cản trở, gây khó khăn cho quá trình hoàn thiện hồ sơ. Dẫn chứng cho chia sẻ của mình, bà Làn nêu: 'Lúc thì sửa lại hồ sơ xin cấp phép xây dựng, lúc chờ hướng dẫn phân cấp phê duyệt, lúc thì dừng lại do BQL dự án cắm nhầm chỉ giới, rồi thiếu bãi đỗ xe, sau đó lại là thanh tra, kiểm tra của HĐND tỉnh,... Điều này, đang khiến cho DN chúng tôi đứng trước nguy cơ phá sản, rơi vào cảnh nợ nần'.

Cũng theo bà Làn, ngày 26/3/2014, UBND tỉnh Bắc Giang có thông báo số 46/TB –UBND thông báo kết luận phiên họp bất thường UBND tỉnh tháng 3/2014 trong đó cho DN Hoành Lan lựa chọn 3 phương án để giải quyết dứt điểm sự việc. Phương án một, là cho phép thực hiện đầu tư kinh doanh các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ văn hóa thể thao phù hợp với chức năng, công năng của công viên, không kinh doanh nhà hàng ăn uống, ẩm thực tại đây. Phương án hai, là nếu đống ý chuyển địa điểm thực hiện dự án thì sẽ bố trí cho một diện tích đất khác ngay sát cạnh công viên đã được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ. Phương án cuối cùng, là nếu không thực hiện dự án thì trả lại đất cho nhà nước và tỉnh sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Đứng trước bờ vực phá sản vì bao công sức, tiền bạc đang có nguy cơ đổ xuống sông, xuống biển, DN Hoàng Lan đã ngay lập tức gửi công văn số 19/DNHL ngày 2/4/2014, không đồng ý bất kỳ phương án nào của UBND tỉnh Bắc Giang đưa ra và mong muốn UBND tỉnh xem xét để DN được đầu tư đầy đủ các hạng mục của dự án thực hiện đúng giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 đã được cấp ngày 1/9/2009 trước đó. Lí giải cho việc không đồng ý này, bà Làn nói: 'Để thực hiện đúng theo QĐ số 496 của UBND tỉnh, chúng tôi đã thiệt thòi rất nhiều. Hơn nữa giấy chứng nhận đầu tư dự án được cấp trên cơ sở bản quy hoạch chi tiết (tỉ lên 1/500) cũng đã được cấp. Chúng tôi chỉ đề nghị thực hiện theo đúng giấy chứng nhận đầu tư nhưng lại không được chấp thuận. Đây là nguyên nhân chính khiến dự án không thể triển khai theo đúng tiến độ'.

Đáng chú ý, dù đã có văn bản kiến nghị, tuy nhiên, đúng 3 tháng sau ngày 25/6/2014, UBND tỉnh Bắc Giang lại ban hành QĐ số 379/QĐ-UBND chấm dứt hoạt động của Dự án và cũng chỉ một tháng sau ngày 25/7/2014 lại ban hành QĐ số 472/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với lý do DN không triển khai dự án.

'Chính quyền liên tiếp ban hành các quyết định hành chính khiến DN quay như chong chóng. Làm sao chúng tôi trở tay khi khi chỉ trong vòng 8 năm (từ 2003 đến 2011) hết tỉnh rồi đến TP cứ liên tục điều chỉnh quy hoạch như vậy?' – Bà Làn thở dài.

Có thể thấy, thật khó để một nhà đầu tư có thể xoay sở kịp khi cứ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo đúng quy hoạch thì lại bị Quy hoạch mới đè lên. Điều này, được chính ông Lại Thanh Sơn – PCT UBND tỉnh Bắc Giang kết luận tại cuộc họp ngày 14/3/2012 với các sở, ban ngành khi khẳng định: 'việc điều hỉnh quy hoạch nhiều lần đã ảnh hưởng tới DN,...'.

Kêu gọi DN đầu tư để phát triển kinh tế là một việc làm cần thiết, nhưng việc thay đổi quy hoạch quá nhiều lần sẽ đặt các nhà đầu tư vào trạng thái hoang mang, bất ổn và tốn kém chi phí vô cùng lớn; trong khi công tác quy hoạch đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, mang tính ổn định và việc điều chỉnh phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Giang cần có cái nhìn khách quan, cùng cách giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý để vừa phát triển kinh tế xã hội địa phương mà cũng vừa đảm bảo lợi ích cho DN.

Nhóm PV