Cuối tháng 12/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố kết quả thực hiện bộ chỉ số PEPI năm 2021. Bắc Giang đạt tổng điểm 70,35, xếp thứ 9 cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2020; đứng sau các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Quảng Ninh. Tổng điểm bộ chỉ số PEPI thấp nhất là Đắk Nông với 51,30 điểm.
Việc công bố kết quả thực hiện bộ chỉ số đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong thực hiện các mục tiêu, chính sách về BVMT, hướng đến phát triển hài hòa KT-XH và môi trường.
Thực hiện công tác BVMT, Bắc Giang có nhiều chỉ số thành phần đạt cao, góp phần nâng thứ hạng. Cụ thể, tỷ lệ số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo đạt 100%, xếp thứ nhất; xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng xếp thứ năm; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường Bắc Giang đứng thứ ba cả nước. Đây là chỉ số phản ánh mức độ quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật về BVMT tại các đô thị trên địa bàn, là cơ sở để đánh giá kết quả xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của các tỉnh, TP.
Bắc Giang có 56,36% nước thải khu đô thị được xử lý nước đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt hơn 43,65%, đứng thứ 7. Tỉnh đã khắc phục, không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cụ thể như: Đã cải tạo hệ thống xử lý nước thải, cải tạo hồ chứa nước thải tại khu giết mổ trâu bò Phúc Lâm và xây dựng, vận hành trạm xử lý nước thải công suất 1.500 m3/ngày đêm ở làng nghề nấu rượu xã Vân Hà (Việt Yên); đầu tư khu xử lý rác thải tại một số bệnh viện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bắc Giang nhận rõ vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác BVMT. Đó là tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT vẫn đạt thấp (66,86%), xếp 61/63 tỉnh, TP. Do đó đã kéo giảm 22,39%, tương ứng giảm 0,1 điểm trong tổng điểm đánh giá của tỉnh. Chỉ số thành phần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT; số lượng phương tiện giao thông công cộng trên 10.000 dân đô thị cũng đạt thấp (chỉ số phản ánh mức độ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng để giảm nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí di động) cũng đạt thấp.
Tỷ lệ cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường chưa đạt kế hoạch. Nguyên nhân là do một số CCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng, được giao cho trung tâm phát triển quỹ đất và CCN cấp huyện quản lý, chưa bố trí kinh phí đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung của CCN.
Để nâng hạng bộ chỉ số PEPI, Bắc Giang tập trung giải quyết vấn đề môi trường, trong đó tiếp tục thực hiện tốt việc huy động toàn dân thu gom, xử lý rác thải ra môi trường. Duy trì vận hành thường xuyên và hiệu quả các khu xử lý, lò đốt rác; nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Rà soát, kiểm tra, đánh giá các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh để có giải pháp phòng ngừa, xử lý.
Trên quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với BVMT nên trong lựa chọn, thu hút đầu tư, Bắc Giang ưu tiên dự án sử dụng ít nhân công, hàm lượng công nghệ cao và BVMT. Đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bá Đoàn