Phối cảnh Khu B KĐT mới Đình Trám - Sen Hồ
Chậm tiến độ vì nhiều hộ dân chưa đồng thuận
Trước đó, ngày 29/6/2012, UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định số 840/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị (KĐT) mới Đình Trám – Sen Hồ, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Theo Quyết định phê duyệt, Dự án khu B, KĐT mới Đình Trám - Sen Hồ nằm trên địa bàn 2 xã Hoàng Ninh và Hồng Thái (Việt Yên, Bắc Giang). Tổng diện tích quy mô dự án là 121,96 ha, dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án là 1.283,7 tỷ đồng và dự kiến nộp cho ngân sách nhà nước khoảng 86,7 tỷ đồng.
Quyết định phê duyệt Dự án KĐT mới Đình Trám - Sen Hồ của UBND tỉnh Bắc Giang
Ngày 23/02/2013, UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định chấp thuận đầu tư dự án khu B, thuộc KĐT mới Đình Trám - Sen Hồ. Theo quyết định này, UBND tỉnh Bắc Giang giao cho Công ty CP Xây dựng và Thương mại Lam Sơn làm chủ đầu tư dự án. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, bắt đầu từ tháng 3/2013 đến hết tháng 3/2018.
Tiến độ thực hiện dự án cụ thể như sau:
Tháng 2/2013, thực hiện thủ tục xin chấp thuận đầu tư dự án.
Từ tháng 3/2013 đến 12/2014, hoàn thành lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập và phê duyệt dự án, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn bộ khu vực đầu tư xây dựng KĐT mới, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình.
Từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2016, hoàn thành công tác bồi thường GPMB và di chuyển đường điện cao thế, hoàn thành công tác san nền trên toàn bộ dự án, đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải, hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên 80 ha đất.
Từ tháng 1/2017 đến tháng 3/2018, hoàn thành việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Do công tác bồi thường và GPMB gặp nhiều vướng mắc vì nhiều hộ dân chưa đồng thuận, nên tiến độ dự án xây dựng KĐT mới Đình Trám – Sen Hồ tại huyện Việt Yên đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Được biết, Dự án KĐT mới Đình Trám - Sen Hồ là dự án do Nhà nước thu hồi đất, nhưng do nguồn ngân sách hạn hẹp, nên UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho Công ty CP Xây dựng và Thương mại Lam Sơn làm công tác bồi thường và GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, cho đến nay công tác bồi thường và GPMB đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng dự án. Theo tìm hiểu, nguyên nhân là do vẫn còn rất nhiều hộ dân có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến dự án cho rằng giá đền bù thấp, chưa thoả đáng. Các hộ cũng mong muốn có thêm phần đất dịch vụ để hỗ trợ người dân.
Cụ thể, theo một người dân sống tại thôn Hùng Lãm 2, Xã Hồng Thái (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: “Người dân ở đây mất 100% ruộng đất, họ xuất phát từ nông dân mà giờ bắt họ chuyển đổi thành thương mại hóa, đô thị hóa thì người dân không còn đất để sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hầu hết người dân chỉ muốn đền bù cho họ một khoản quỹ đất khác để làm đất dịch vụ.
Trong khi đó, giá đền bù ở Bắc Ninh cao hơn là 158 triệu/sào, Bắc Giang lại chỉ có 78 triệu, mà hỗ trợ cuối cùng chỉ được 100 triệu/sào. Riêng thôn Hùng Lãm 2 vẫn còn 57 hộ chưa nhận bồi thường GPMB…”.
Cũng do công tác bồi thường GPMB gặp nhiều khó khăn, nên hiện tại chính quyền vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng sạch, để chủ đầu tư tiếp tục triển khai giai đoạn 2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xây dựng của dự án.
Giải pháp nào cho công tác bồi thường GPMB?
Liên quan đến công tác bồi thường GPMB, trao đổi với PV, ông Lê Văn Thiệp - Chánh văn phòng UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết: “Vấn đề này thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện. Việc chi trả tiền bồi thường GPMB thì chỉ có họ mới nắm được còn bao nhiêu hộ chưa nhận đền bù…”.
Mới đây, trả lời trên Báo Xây Dựng (ngày 4/09/2018) về công tác bồi thường GPMB chậm, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: Nguyên nhân do một số hộ dân hiểu chưa đúng về Dự án, đòi hỏi đền bù vượt quá quy định của Nhà nước.
Ông Phương phân tích, đây là dự án do Nhà nước thu hồi đất, do đó không phải thỏa thuận đề bù; giá đền bù do Hội đồng định giá của tỉnh thẩm định ban hành. Cũng do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Xây dựng và Thương mại Lam Sơn làm chủ đầu tư thực hiện bồi thường GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng. Sau khi Dự án hoàn thành, nguồn thu ngân sách từ Dự án sẽ khấu trừ trả lại phần công ty này đã đầu tư. Số còn lại được nộp về ngân sách Nhà nước.
Nguyên nhân dẫn tới việc công tác bồi thường GPMB chậm là do còn rất nhiều hộ dân có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến dự án cho rằng giá đền bù thấp, chưa thoả đáng...
Vị này cũng khẳng định hoàn toàn không có việc chính quyền thu hồi lúa non như phản ánh: “Nếu phải cưỡng chế, chúng tôi đều cố gắng tiến hành vào lúc không có lúa và hoa màu, hoặc nếu có thì cũng phải thời điểm thu hoạch được”, ông Phương cho hay.
Về vấn đề bồi thường, GPMB thấp, ông Phương cho rằng như vậy là phù hợp chứ không phải thấp so với làm nông nghiệp. “Bà con cấy lúa 1 năm sẽ thu về 4 tạ/sào, 10 năm là 4 tấn. Theo mức giá hiện tại thì 50 năm mới thu được 100 triệu. Đấy là chưa kể chi phí đầu tư vào sản xuất”, ông Phương lý giải.
Theo tìm hiểu, để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, ngày 27/9/2018, UBND huyện Việt Yên đã triển khai kế hoạch số 155/KH-UBND về việc thu hồi đất, bồi thường GPMB để thực hiện xây dựng Khu B, KĐT mới Đình Trám – Sen Hồ thuộc xã Hoàng Ninh, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên (giai đoạn 2).
Theo kế hoạch, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch để thi công thực hiện dự án (giai đoạn 2) sẽ hoàn thành trước ngày 28/2/2019.
Kế hoạch số 155/KH-UBND của UBND huyện Việt Yên về việc thu hồi đất, bồi thường GPMB để thực hiện xây dựng Khu B, KĐT mới Đình Trám – Sen Hồ (giai đoạn 2)
Dự án Khu B KĐT mới Đình Trám - Sen Hồ có tầm quan trọng nằm trong định hướng phát triển lâu dài của tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Việt Yên nói riêng, do đó công tác đền bù GPMB cần sớm thực hiện, hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Tuy nhiên, để tạo được sự đồng thuận, cần ưu tiên giải quyết quyền lợi của người dân. Đồng thời, có những giải pháp mềm mỏng, hợp lý từ phía chính quyền, để người dân nhận thức đúng đắn, tạo tiền đề cho một tiếng nói chung, thống nhất giữa chính quyền và người dân.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Như Lan