Tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 10 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang, số lợn chết dịch tại tỉnh này lên tới gần 80.000 con, có thời điểm 1 xã có tới 20 - 30 hộ có lợn chết, số lợn chết vớt được từ kênh mương hoặc trôi nổi trên sông thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang được ước tính lên đến cả chục tấn.

Bắc Giang: Nhiều địa phương buông lỏng công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi - Hình 1

Lợn chết trôi đầy sông tại huyện Hiệp Hòa (Ảnh người dân cung cấp)

Trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y mỏng, mỗi xã chỉ có 1 đến 2 cán bộ thú y, đây chính là nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát và lan rộng trên khắp các huyện.

Sau thông tin lợn bị dịch tả châu Phi chết bị vứt ra sông tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bộ NN & PTNT đã lập tức thành lập đoàn kiểm tra.

Theo ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, từ đầu tháng 5 tới nay, số lợn chết vì dịch tăng mạnh, có thời điểm hàng chục hộ trong 1 xã cùng có lợn chết nhưng lực lượng lại quá mỏng, cả xã chỉ có 1 cán bộ thú y nên công tác tiêu hủy bị chậm trễ. Có thời điểm một số hộ tại một số xã vì sốt ruột nên tự ý mang lợn đi chôn.

Trước những phản ánh của người dân thôn Đại Thắng, xã Hoàn Lương, huyện Hiệp Hòa (địa phận giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên) xuất hiện lượng lớn xác lợn chết trôi nổi trên sông.

Liên quan tới sự việc này, ông Dương Văn Thái - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho Sở NN&PTNT Bắc Giang làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên để đưa ra phương hướng kiểm soát, bám sát với diễn biến tình hình của dịch tả lợn Châu Phi.

Bắc Giang: Nhiều địa phương buông lỏng công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi - Hình 2

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Trước đó, Tại Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi (ASF) diễn ra sáng nay 13/5/2019, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, dịch tả lợn châu Phi đến nay đã lan ra gần 2.300 xã ở 204 huyện tại 29 tỉnh thành với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là trên 1,22 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. 

Theo Thứ trưởng Tiến, ASF là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, đến nay, một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch…

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc chống dịch có nơi lơ là, coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y.

“Mới đây, báo chí, mạng xã hội đưa tin lợn trôi sông, chỉ vài tiếng đã vớt được hàng tấn. Có địa phương chôn lợn rồi lại đào lên. Tôi yêu cầu các địa phương khi có thông tin như vậy cần kiểm tra ngay các vấn đề này, xử lý nghiêm những cán bộ, tổ chức để xảy ra hiện tưởng trên”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, làm việc với doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, hệ thống kho lạnh, nhà phân phối… bàn về giải pháp thu mua thịt sạch, cấp đông. Cùng đó, phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.

Đồng thời, đại diện Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ hoàn thiện dự thảo gửi Chỉ thị Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu phi; tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển.

Như Lan