Đánh vào tâm lý nhiều người tiêu dùng thích sử dụng hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài, nhiều cá nhân, tổ chức đã lựa chọn kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, giữa vô vàn sản phẩm, người tiêu dùng khó để biết đâu là hàng thật, hàng giả hay nhập lậu.
Chỉ cần gõ từ khóa “hàng xách tay”, “sữa nội địa Đức”, “mỹ phẩm Hàn Quốc”… người mua sẽ nhận được vô số tài khoản bán hàng với nhiều mẫu mã, mức giá khác nhau. Thường các chủ tài khoản kinh doanh đều nói trực tiếp sang nước ngoài nhặt hàng hoặc có người thân ở nước ngoài gửi hàng về Việt Nam nên không mất thuế, giá “mềm” hơn so với hàng nhập ngoại do doanh nghiệp phân phối...
Thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh hàng ngoại là hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đơn cử như tháng 9/2023, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ MTPD (Tân Yên) kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu. Doanh nghiệp này đã bị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt hành chính gần 200 triệu đồng. Hệ thống cửa hàng Khang Baby (có 14 cơ sở trên địa bàn tỉnh) chuyên kinh doanh các mặt hàng cho bà mẹ và trẻ em cũng vừa bị lực lượng QLTT xử lý vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở về hành vi kinh doanh nước trái cây đóng túi, sữa dạng lỏng Strawberry, táo đỏ, hàng hóa nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Đội QLTT số 3 (Cục QLTT) kiểm tra địa điểm kinh doanh thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Linh Mai Sáng Group, ở đường Hoàng Văn Thụ, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) phát hiện gần 250 sản phẩm hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, tại cơ sở kinh doanh ở số 87 đường Hoàng Văn Thụ, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang), lực lượng chức năng phát hiện cơ sở bày bán hơn 800 sản phẩm hàng hóa gồm nhiều chủng loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vụ việc đang được xử lý theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, để ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh chân chính, chống thất thu thuế cho Nhà nước, lực lượng QLTT đã tích cực đấu tranh với nạn hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu. Thời gian tới, các kiểm soát viên thị trường tiếp tục trinh sát, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm
Về phía Sở Công Thương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” nhằm tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện thông tin minh bạch, người tiêu dùng lựa chọn tiêu dùng an toàn. UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 42/2023/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Mục tiêu nhằm huy động sự vào cuộc của nhiều tổ chức, cá nhân vào công tác này.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, để mua được những sản phẩm đúng chất lượng, người tiêu dùng thông thái sẽ chủ động lựa chọn mua hàng ở các điểm kinh doanh, sàn thương mại uy tín; mua hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, nhãn mác rõ nguồn gốc nơi nhập khẩu, sản xuất; kiên quyết tẩy chay với các hàng hóa thiếu các thông tin, xuất xứ theo quy định.
Bá Đoàn