Đổi người tham gia tố tụng là cần thiết

Theo thông tin mới nhất, ngày 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái đã ký Quyết định số 997/QĐ-UBND về việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hình sự liên quan đến GPMB thực hiện dự án Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Trao đổi với báo chí, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái xác nhận và cho biết đã ủy quyền cho ông Đào Duy Trọng, Phó Giám đốc sở TN&MT thay cho ông Giáp Văn Tâm.

Người được ủy quyền là ông Đào Duy Trọng, Phó Giám đốc sở TN&MT tỉnh Bắc Giang. Theo quyết định, ông Trọng được thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức theo Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự trong vụ án.

Dự án Tây Yên TửDự án Tây Yên Tử

Như đã phản ánh, trước đó ngày 2/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 670/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động (Chủ tịch Hội đồng bổi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử) tham gia tố tụng; thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức theo Điều 62 cùa Bộ luật Tố tụng hình sự trong vụ án "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử.

Về việc ủy quyền này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng sự việc rất "trái khoáy". Bản thân ông Tâm là người trực tiếp gây thiệt hại, nhưng lại đại diện cho chính quyền thì sẽ ăn nói như thế nào?. Có thể thấy hành vi vi phạm, thiệt hại rất rõ ràng, vì vậy ông Tâm không có tư cách để đại diện cho chính quyền tham gia tố tụng?.

Điều đáng bàn, tại Kết luận điều tra vụ án hình sự số 09 ngày 12/2/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã xác định ông Giáp Văn Tâm là người trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp các cơ quan chuyên môn trong công tác GPMB thực hiện dự án Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử. Ông Tâm cũng là người ký Quyết định số 375 và số 376 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đợt 8. Sau đó lại ký Quyết định số 451 về việc điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB từ hai hộ sang cho 6 hộ.

Chính những quyết định sai trái này là nguyên nhân dẫn đến sai phạm khiến hàng loạt cấp dưới bị khởi tố, nhưng ông Tâm, người có vai trò và chịu trách nhiệm chính lại không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì, không bị khởi tố, khiến dư luận hoài nghi về sự khách quan, bỏ lọt người, lọt tội của cơ quan điều tra.

Đối với sự việc trên thì hàng loạt cấp dưới và các cán bộ liên quan đã bị cơ quan điều tra khởi tố, gồm: Phan Đức Hạnh (sinh năm 1973), Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật TN&MT Bắc Giang; Thân Đức Thanh (sinh năm 1974), Trưởng phòng Đo đạc bản đồ, Tổ trưởng Tổ công tác giải phóng mặt bằng, trực tiếp phụ trách công tác đo đạc bản đồ và Nguyễn Văn Lực (sinh năm 1982), cán bộ Phòng Đo đạc Trung tâm kỹ thuật TN&MT về tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất". Đồng thời, đề nghị truy tố bị can Ngọc Minh Phụng (sinh năm 1962), Trưởng phòng TN&MT huyện Sơn Động về tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ra, hàng loạt cán bộ xã Tuấn Mậu, nay là Thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động bị kỷ luật, trong khi ông Giáp Văn Tâm không bị xử lý.

Cần xử lý đúng người đúng tội trong vụ việc Tây Yên Tử

Ông Hoàng Văn Tuệ - Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Tây Yên Tử (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu) cho biết, lúc đó tôi đâu có trong Hội đồng bồi thường GPMB, mà chỉ được giao tuyên truyền và vận động bà con bàn giao đất cho Nhà nước để thực hiện dự án, không hề được tham gia một buổi họp nào của Hội đồng bồi thường, GPMB, nhưng khi vụ việc bị vỡ lở cá nhân tôi cũng bị UBND huyện Sơn Động kỷ luật bằng hình thức khiển trách và đang đợi Huyện ủy tiếp tục kỷ luật về Đảng.

"Nếu làm theo phương án ban đầu là bồi thường cho 2 hộ dân: Nguyễn Văn Trung và Dương Thị Bích (2 hộ dân này đã mua lại đất của 6 hộ dân - PV) thì sẽ không cán bộ nào vi phạm cả, đằng này cấp trên lại chỉ đạo chuyển sang làm bồi thường cho 6 hộ dân người dân tộc thiểu số để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sau này phát hiện sai và đã thu hồi Quyết định, thu hồi tiền cho Nhà nước nhưng tới nay vẫn chưa thu hồi hết.

Đánh giá về sự việc, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện UBTVQH cho biết, phải xem xét vai trò, trách nhiệm, hậu quả do ông Tâm và các cá nhân gây ra. Trong kết luận của cơ quan điều tra đã cho thấy rất rõ vai trò của ông Giáp Văn Tâm, nếu chỉ xem xét xử lý hành chính, và cơ quan Đảng chỉ xem xét xử lý ở mức nhẹ thì không công bằng.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân, cơ quan điều tra, các cơ quan nội chính tỉnh Bắc Giang phải xem xét làm rõ sai phạm. Cơ quan điều tra phải làm rõ vi phạm của ông Tâm đúng với quy định của pháp luật để xử lý, đồng thời các cơ quan Đảng phải xem xét trách nhiệm Đảng viên của ông Tâm. Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng không loại trừ khả năng có việc chống lưng, bao che, bỏ lọt tội phạm.

Đánh giá về vụ việc này, luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: "Việc CQCSĐT công an tỉnh Bắc Giang không khởi tố ông Giáp Văn Tâm là có dấu hiệu không khách quan, bỏ lọt tội phạm. Ông Giáp Văn Tâm phải là người chịu trách nhiệm chính và cao nhất đối với mọi hoạt động của HĐ BTGPMB huyện Sơn Động. Việc Ông Tâm để xảy ra sai phạm buông lỏng quản lý, bỏ mặc cấp dưới làm sai, không phối hợp và trao đổi công việc với phòng TNMT làm thất thoát hơn 4,5 tỷ đồng thể hiện sự thiếu trách nhiệm và vô cảm trong hoạt động công vụ. Trong trường hợp này, tội phạm đã hoàn thành, đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

 Trang Nguyễn