Việc ban hành Quyết định nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh và sinh viên (gọi chung là học sinh) trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp (gọi chung là các cơ sở giáo dục) nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, đồng thời phát hiện sớm các trường hợp mắc các bệnh học đường để tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời.
Phấn đấu 100% trường học, cơ sở giáo dục có cán bộ y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh, người học theo quy định; 100% trường học tổ chức kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học theo quy định. Tất cả trường học, cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú được kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; 100% học sinh, giáo viên các trường học, cơ sở giáo dục được tiếp cận thông tin truyền thông phòng chống bệnh tật học đường, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội và vệ sinh môi trường; trên 90% học sinh, người học trong đối tượng tiêm chủng được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin theo quy định…
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Y tế là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các trường học, cơ sở giáo dục tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh trường học, chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Bố trí đủ nhân lực cán bộ y tế và 01 cán bộ kiêm nhiệm công tác y tế của nhà trường, cơ sở giáo dục để theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, lồng ghép trong các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa và xây dựng các mô hình truyền thông giáo dục các biện pháp phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, bệnh, tật học đường; phòng chống các bệnh về mắt; sức khỏe sinh sản, giới, bình đẳng giới;…
Các trường học tăng cường hệ thống thông tin liên lạc với phụ huynh học sinh qua các kênh thông tin mạng xã hội, sổ liên lạc điện tử, App eNetViet… để theo dõi sức khỏe học sinh, cung cấp thông tin về hoạt động phòng, chống dịch của nhà trường. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên ngay khi mới nhập học và ít nhất một lần trong năm học; tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực.
Tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh chính sách, pháp luật về BHYT và vai trò, ý nghĩa của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên. Phối hợp với cơ quan BHXH vận động, hướng dẫn học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định.
Bá Đoàn